Khu 51- Bí ẩn trên sa mạc Mỹ - Kỳ 1

Từng là cái tên gắn liền với hàng loạt bộ phim viễn tưởng nhưng trên thực tế không hề có người ngoài hành tinh xuất hiện tại Khu 51 (Area 51) mà thay vào đó cơ sở quân sự tối mật này lại chứa đựng những điều vô cùng thú vị.

MỘT SẢN PHẨM CỦA CHIẾN TRANH LẠNH

Năm 2013, dựa trên Đạo luật Tự do thông tin, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã tiết lộ tài liệu xác nhận Khu 51 có tồn tại và đây là một cơ sở quân sự tối mật của Mỹ được hình thành trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh Lạnh. 

Vào ngày 8/12/2013, Tổng thống Barack Obama đã trở thành ông chủ Nhà Trắng đầu tiên công khai trước công chúng về Khu 51. Trong một buổi lễ kỷ niệm thường niên tại Trung tâm Kennedy, ông Obama bộc bạch: “Khi trở thành Tổng thống, một trong những câu hỏi mà mọi người đặt ra nhiều nhất với bạn là điều gì thực sự xảy ra ở Khu 51?”. 

“Khi muốn biết sự thật, tôi sẽ gọi bà Shirley MacLaine (diễn viên Mỹ khẳng định đã đôi lần nhìn thấy UFO). Tôi cho rằng mình vừa trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên từng công khai trước công chúng về Khu 51”, ông chủ Nhà Trắng thứ 44 hóm hỉnh nói. Từ đây, bức màn bí ẩn về Khu 51 đã được vén lên, cơ sở này không còn là cái tên mà Lầu Năm Góc muốn giữ kín và lảng tránh khi nhắc tới.

Nhà thiết kế Kelly Johnson (trái) bên chiếc máy bay U-2.

Theo đó, trong những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, Không quân Mỹ đã cử một số máy bay làm nhiệm vụ do thám Liên Xô nhưng các phi cơ này đều nằm trong tầm có thể bị bắn hạ. Do vậy, tháng 11/1954, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã thông qua chương trình bí mật nhằm phát triển máy bay trinh sát tầm cao U-2.

Năm 1955, nhân viên CIA Richard Bissell, Đại tá Osmund Ritland thuộc Không quân đang tham gia dự án U-2 và nhà thiết kế Kelly Johnson của hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin đã hợp tác cùng tìm kiếm một địa điểm ở California hoặc Nevada để thử nghiệm mẫu thiết kế máy bay U-2. Tiêu chí được đặt ra là một nơi xa xôi, vượt khỏi tầm nhìn của công chúng hoặc thậm chí là điệp viên Liên Xô. Ngày 12/4/1955, họ lùng sục, nghiên cứu các địa điểm từ trên không trung với sự giúp đỡ của phi công Tony LeVier thuộc Lockheed Martin.

Trong khi bay qua hồ cạn có tên Groom Lake, họ chú ý đến một dải đất từng là nơi Không lực Lục quân Mỹ (tiền thân của Không quân Mỹ) xây dựng hai đường băng nhỏ trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng lại hoàn toàn bị bỏ rơi từ thập niên 40 của thế kỷ trước.

Nơi này sau đó được sáp nhập vào Khu vực thử nghiệm của Ủy ban Năng lượng hạt nhân Mỹ gần đó ở Nevada và được cơ quan này định danh trên bản đồ là Khu 51. Tháng 7/1955, Khu 51 bắt đầu đưa vào hoạt động và việc thử nghiệm máy bay U-2 được đặt lịch trình thực hiện vào cuối tháng đó. Tổng thống Dwight Eisenhower ký lệnh hạn chế bay qua Groom Lake. CIA, Ủy ban năng lượng nguyên tử Mỹ giám sát hoạt động của Khu 51, bên cạnh Bộ Năng lượng và Không quân nước này.

Máy bay trinh sát U-2.

Trong những năm sau đó, máy bay đến rồi đi, đưa nhiều nhân sự tới “nhập cảnh” Khu 51, đường băng được nối dài hơn, những nhà chứa máy bay cùng 100 căn nhà khác được xây dựng. Qua nhiều thập niên, căn cứ quân sự bí mật này tiếp tục bị giấu kín với công chúng. Mọi hình ảnh vệ tinh về Khu 51 đều bị xóa khỏi dữ liệu của chính phủ.

Chính phủ Mỹ đã phải vất vả đảm bảo an ninh không cho người tiếp cận Khu 51. Để được vào Khu 51, người ta buộc phải trải qua kiểm tra an ninh gắt gao đồng thời có giấy mời từ quân đội hoặc cơ quan tình báo. Khu 51 chiếm một vùng rộng 36.000 ha. Nơi đây bao gồm nhà chứa máy bay, nhà canh gác, trạm radar, khu nhà ở, văn phòng, đường băng... Những công trình được thiết kế để máy bay có thể di chuyển ra vào nhanh chóng và tránh được sự phát hiện của vệ tinh.

Các con đường dẫn vào Khu 51 cũng rất khó quan sát. Ngay cả ngày nay, Khu 51 vẫn bị bao vây bởi hàng ngàn hecta sa mạc trống trải. Lực lượng không quân cũng tịch thu đất khỏi dân sự để tránh xa những con mắt tò mò. Cách để quan sát được Khu 51 là leo lên đỉnh Tikaboo cách đó 42 km và có thể nhận ra đường băng cũng như các máy bay thử nghiệm khi cất cánh, trước khi đèn tắt ngóm và Khu 51 lại chìm vào bóng tối âm u tịch mịch. 

Hầu hết nhân viên của Khu 51 đều di chuyển đến nơi này bằng máy bay Boeing 737 hoặc 727. Các phi cơ này xuất phát từ một khu vực thuộc sân bay quốc tế McCarran do nhà thầu quốc phòng EG&G sở hữu. Xung quanh Khu 51 không có hàng rào mà được đánh dấu bằng các cột màu cam và dấu hiệu cảnh báo cấm vào và không được chụp ảnh. Tất cả những người làm việc tại Khu 51, dù là dân sự hay thuộc quân đội, đều phải ký cam kết giữ mọi bí mật. Các tòa nhà tại căn cứ này đều không có cửa để ngăn mọi người nhìn thấy bất cứ thứ gì không liên quan đến công việc của họ. 

Năm 1988, vệ tinh Liên Xô chụp được hình ảnh Khu 51. Tạp chí Popular Science đăng những tấm hình tạo điều kiện để hầu hết người dân Mỹ có cơ hội đầu tiên quan sát Khu 51. Vào năm 2000, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố các bức ảnh được chụp bởi vệ tinh của Liên Xô. Bộ sưu tập ảnh cho thấy sự lớn mạnh của Khu 51 trong những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Kể từ đó, và đặc biệt cả khi Google Earth ra đời, bí mật về Khu 51 ngày càng khó giữ kín.

Trong khi đó, máy bay U-2 thường bay ở độ cao hơn 18km - một kỷ lục chưa máy bay nào đạt được vào thời kỳ đó, và đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều nghi vấn về vật thể bay không xác định (UFO) tại Khu 51. Nếu U-2 cất cánh vào thời điểm lúc chạng vạng, đôi cánh màu bạc của phi cơ này sẽ phản chiếu ánh mặt trời khiến các phi công máy bay khác đang ở tầm thấp hơn tưởng nhầm là UFO, dẫn đến nhiều giai thoại nổi tiếng. 


Hà Linh
Khu 51- Bí ẩn trên sa mạc Mỹ - Kỳ cuối
Khu 51- Bí ẩn trên sa mạc Mỹ - Kỳ cuối

Sau một thời gian dài hoạt động và đóng góp lớn cho quân đội Mỹ nhưng Khu 51 vẫn phải đối mặt với việc bị cho “về hưu”. Năm 1980, chính phủ Mỹ thông qua chương trình di dời đất nhiễm xạ quanh Groom Lake.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN