Dấu tích lịch sử không thể quên trong trận chiến bảo vệ Moskva

Hành trình "thăm lại chiến trường xưa" bảo vệ thủ đô Moskva năm 1941 đã diễn ra nhân kỷ niệm 71 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức trong Chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2016).

Bảo tàng kỷ niệm Phòng tuyến Zaiseva Gora.

Chương trình do các sinh viên Nga và Việt Nam, thầy cô giáo Viện Kinh tế và Pháp luật Moskva trong câu lạc bộ "Tổ quốc" và "Tưởng nhớ" cùng các cựu chiến binh Nga tổ chức. Cuộc hành trình rất thú vị này cho thấy rõ sự quật cường, tinh thần quả cảm của những người lính Xô Viết, cũng những những tổn thất lớn lao của nhân dân Liên Xô để đi đến thắng lợi cuối cùng vào năm 1945. 

Theo phản ánh của phóng viên TTXVN tại LB Nga, điểm đầu tiên trong chuyến hành trình là tượng đài kỷ niệm "Phòng tuyến Ilinskoye". Nơi đây, từ ngày 6-24/10/1941, các chiến sĩ 2 trường quân sự ở Podolsk đã chiến đấu anh dũng, kìm chân lực lượng vượt trội gồm 200 xe tăng và 20.000 quân phát xít Đức. 

Họ đã tiêu diệt gần 5.000 binh sĩ và sĩ quan Đức, loại khỏi vòng chiến đấu 100 xe tăng kẻ thù, song hầu như toàn bộ các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Tại điểm kỷ niệm này, đoàn tham quan ôn lại những ký ức hào hùng không thể nào quên của Hồng quân Liên Xô, cùng đặt những đóa hoa tươi thắm để tưởng nhớ 2.500 chiến sĩ Hồng quân đã hy sinh tại phòng tuyến này.

Điểm đến tiếp theo là "Phòng tuyến Zaitseva Gora", nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa kéo dài hơn 1 năm, nhiều khu vực là nơi giành giật trong thời gian dài giữa phát xít Đức và Hồng quân. Vô số người lính Hồng quân đã ngã xuống để chọc thủng tuyến phòng thủ này của kẻ địch. 

Trung tâm phòng thủ của kẻ thù là "Cao điểm 269,8". Hồng quân Liên Xô đã phải đào một đường hầm dài 106m để cho nổ tung điểm cao này bằng khối thuốc nổ lên tới 25 tấn. Vụ nổ đã tạo ra một hố đường kính 90m, sâu 20m. Đến tận tháng 4/1943, Hồng quân Liên Xô mới giải phóng hoàn toàn cao điểm này.

Phát biểu tại đây, Giáo sư, tiến sĩ Vladimir Buyanov, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, Viện trưởng Viện Kinh tế và Pháp luật Moskva nói: "Thật đáng tiếc là tới tận thế kỷ 21 rồi vẫn còn những cuộc xung đột gay gắt chống lại người dân hòa bình, những gì chúng ta thấy tại Donbass và Syria cho thấy người ta vẫn chưa nhận thức rõ chiến tranh và giao tranh sẽ đem lại điều tồi tệ thế nào. Tôi cho rằng những chuyến đi như thế này cần được tiến hành thường xuyên hơn để họ thực sự cảm nhận được những hậu quả xung đột quân sự đem lại. Không chỉ thanh niên mà cả các chính trị gia và người lớn cũng cần nhận thức rõ rằng tranh chấp cần giải quyết bằng con đường hòa bình, đối thoại, trên bàn đàm phán".

Điểm đến kế tiếp, tuy khiêm tốn song đầy sống động là Bảo tàng Thượng tướng Hồng quân Liên Xô Mikhain Grigorievich Efremov, người chỉ huy Tập đoàn quân số 33 chiến đấu dũng cảm trong vòng vây kẻ địch tại khu vực huyện Viazma. Những trận đánh ác liệt đã diễn ra trong vòng vây của kẻ địch trong suốt 2 tháng. Tướng Efremov bị thương nặng và ông đã tự sát để không rơi vào tay kẻ địch.

Một địa danh nữa cần nhắc tới trong chuyến đi là Khu tưởng niệm "Cánh đồng Bogorodinskoye". Địa danh này còn được nhắc tới với tên gọi "Chảo lửa Viazma". Nơi đây, chỉ trong vòng 2 tuần, khoảng nửa triệu chiến sĩ và dân quân Xô Viết đã ngã xuống, hàng trăm nghìn người Nga bị bắt làm tù binh. 

Đường vào khu tưởng niệm có hàng bia dài ghi tên các đơn vị quân đội Nga đã thiệt hại nặng nề trong trận chiến này. Cái giá phải trả là rất lớn song đổi lại, tuyến phòng thủ Cánh đồng Bogorodinskoye đã giúp chặn đứng kế hoạch "Bão táp" nhằm nhanh chóng chiếm Moskva của Hitler.

Điểm đến cuối cùng trong chuyến đi, nằm trên quốc lộ Minsk, là đài tưởng niệm nữ du kích Zoya Kosmodemianskaya, tuy nhiên cũng chính tại nơi đây, 3 chiến sĩ cộng sản Việt Nam trong Trung đoàn Quốc tế tham gia những trận đánh bảo vệ Moskva đã ngã xuống. Zoya Kosmodemianskaya là chiến sĩ du kích vô cùng dũng cảm. Bà bị phát xít Đức bắt và đem ra hành quyết. Tuy nhiên đứng trước cái chết, bà vẫn bình tĩnh và nói rằng: "Chúng tôi có 170 triệu người, thay thế tôi sẽ là những người khác".

Thiếu tướng Anatoly Pozdeev, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, Chủ tịch Tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chuyên gia Việt Nam cho biết: "Trong trận chiến bảo vệ Moskva có sự tham gia của rất nhiều chiến sĩ quốc tế đến từ các nước khác nhau. Chúng tôi, Hội hữu nghị Nga-Việt, và Viện Kinh tế và Pháp luật Moskva cảm thấy tự hào khi trong trận chiến bảo vệ Moskva còn có những người bạn Việt Nam của chúng tôi. Chúng tôi đã giúp đỡ Việt Nam trong những năm 1960, 70. 

Còn người Việt Nam những năm 40 đã chiến đấu cho chúng tôi ở ngoại ô Moskva. Thật tiếc là rất nhiều người đã ngã xuống xong chúng tôi sẽ ghi nhớ những kỷ niệm này. Và thật tự hào là hôm nay cùng tưởng nhớ nữ du kích Zoya Kosmodemianskaya, chúng tôi còn tưởng nhớ những người bạn chiến đấu Việt Nam của chúng tôi, những người đã để lại dấu ấn cho hậu duệ, cho con cháu".

Sinh viên năm thứ 2 Viện Kinh tế và Pháp luật Moskva Vũ Trường Giang bày tỏ: "Ngày hôm nay thật thú vị. Chúng em đã tới nhiều địa điểm đáng lưu ý ở Nga, nhân kỷ niệm ngày Liên Xô chiến thắng phát xít Đức. Chúng em hôm nay đã tới 6-7 địa điểm rất đẹp, rất đáng ghi nhớ, cảm động, với những câu chuyện về các vị tướng, những con người vĩ đại trong đó có cô Zoya Kosmodemianskaya ở đây, và cả những người Việt Nam đã chiến đấu vì nước Nga".

Bài, ảnh: Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)
Kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít Đức tại CH Séc
Kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít Đức tại CH Séc

Buổi lễ đặt vòng hoa trước mộ liệt sỹ vô danh để tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc và tất cả các nạn nhân tại Séc trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã diễn ra sáng 8/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN