Đại diện gia đình cố Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Dương Ngọc-TTXVN
|
Ông là người đặt nền móng và xây dựng ngành quân y trưởng thành và lớn mạnh. Trọn cuộc đời, ông đã cống hiến cho sự nghiệp vì sức khỏe của bộ đội và nhân dân.
* Người đặt nền móng và xây dựng ngành quân y trưởng thành và lớn mạnhBác sĩ Vũ Văn Cẩn là người đã xây dựng ngành quân y Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc. Ông đề ra nhiều chủ trương, giải pháp với nhiệm vụ cơ bản là: Bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và cứu chữa, điều trị cho thương binh, bệnh binh; quy hoạch lại hệ thống bệnh viện; hình thành lý luận về tổ chức bảo đảm quân y trong chiến tranh và tổ chức cứu chữa thương, bệnh binh theo bậc thang điều trị; về tiếp tế quân y theo cơ số, xây dựng điều lệ cứu chữa thương binh...
Trong gần 25 năm ở cương vị người đứng đầu ngành quân y, bác sĩ Vũ Văn Cẩn là người có công lao to lớn nhất, để lại các phương châm hữu ích cho nền y học quân sự và y tế Việt Nam.
Phương châm đầu tiên là: “Lấy chính trị, tư tưởng làm gốc” với quan điểm người chiến sĩ quân y trước hết phải là người kiên định, có đạo đức phẩm chất và tình thương của người thầy thuốc với các đối tượng phục vụ là chiến sĩ, thương binh, bệnh binh và người lao động. Mỗi cán bộ phải phấn đấu không ngừng để trở thành người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải “như người mẹ hiền” theo lời dạy của Bác Hồ, lấy Đức làm gốc, lấy Tài làm trọng... Từ đó, ông đã tổ chức và đào tạo nên một đội ngũ cán bộ quân y gồm hàng nghìn thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên cho quân đội, cho các chiến trường.
Phương châm thứ hai “Lấy dự phòng làm chính”, xây dựng phong trào vệ sinh phòng bệnh và vui sống trong quân đội. Ông rất quan tâm và thường trực tiếp chỉ đạo việc kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc, lấy y học cận lâm sàng hiện đại bổ sung hiệu quả cho điều trị y học cổ truyền.
* Người khởi đầu cho công tác kết hợp quân - dân yBác sĩ Vũ Văn Cẩn là người khởi đầu cho công tác kết hợp quân - dân y và là người có công lớn đưa kết hợp quân - dân y trở thành nét độc đáo, sáng tạo của quân đội ta, nhân dân ta trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh. Một công tác mang lại nhiều lợi ích cho quân và dân ta, đặc biệt với y tế vùng sâu, vùng xa, biển đảo. Ngày nay, chương trình kết hợp quân dân y đã đi vào cuộc sống, đã là chủ trương lớn của Nhà nước ta nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe quân đội và nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn đã tham gia công tác bảo quản, gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người qua đời (1969). Ông đã lãnh đạo toàn ngành y tế Việt Nam tập trung sức người và sức của đáp ứng các yêu cầu của các chiến trường và cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
* Vị Bộ trưởng Y tế tận tụyỞ cương vị người đứng đầu ngành Y tế từ năm 1971-1982, bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã chủ trì, đề xuất nhiều chủ trương và giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển nền y tế Việt Nam. Với phương châm “Điều trị toàn diện và an toàn”, ông yêu cầu người thầy thuốc khi chữa trị cho người bệnh cần phải hiểu người bệnh, biết được tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của người bệnh. Phương châm “Cần kiệm xây dựng ngành, chống tham ô lãng phí” xuất phát từ mong muốn của ông là xây dựng cho được người thầy thuốc có đầy đủ nhân cách, không xâm phạm công quỹ, tài sản của quân đội và Nhà nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Năm 1977, ông đã chỉ đạo phát động phong trào thi đua 5 dứt điểm, thực hiện 5 mục tiêu quan trọng của ngành y tế, với tiêu chuẩn và chỉ tiêu cụ thể. Phong trào thi đua đã phát triển sôi nổi và rộng khắp tại các vùng, có chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là một bước phát triển đáng ghi nhớ trong quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, là một thắng lợi đáng tự hào của đường lối y tế của Đảng và cũng là một trong những đóng góp quan trọng của ông vào sự nghiệp y tế nước ta.
Cố Bộ trưởng y tế Vũ Văn Cẩn là nhà lãnh đạo ngành với nhiều đức tính cao đẹp. Nổi bật trong ông là sự nhạy cảm, tinh tế, có tầm nhìn xa trông rộng, bao quát nhiều mặt, làm việc khoa học, luôn nắm chắc khâu kế hoạch và tổ chức cán bộ, chú ý đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện và sử dụng cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học, phân công nhiệm vụ cụ thể và thường xuyên giám sát, kiểm tra... Ông sống rất chân tình, nhân hậu, vị tha, tin cậy và thương yêu cán bộ. Ông để lại trong anh chị em quân dân y nhiều ấn tượng sâu sắc và nhiều tình cảm tốt đẹp.
* Những nét chính về cố Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn CẩnBộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn sinh ngày 15-10-1915 tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng nhân đức, hiếu học. Từ nhỏ, ông là một học sinh rất chuyên cần, học giỏi và có chí tiến thủ. Năm 1936, ông học tại Trường đại học Y Dược Đông Dương, khi đang là sinh viên, ông vừa học tập, vừa hoạt động sôi nổi trong Tổng hội Sinh viên, trở thành một trong các sinh viên yêu nước, vận động sinh viên, học sinh tham gia phong trào truyền bá Quốc ngữ, tích cực viết báo sinh viên, truyền bá vệ sinh và tân y dược học.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông gia nhập quân đội. Ngày 2-9-1945, Bác sĩ Vũ Văn Cẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Giám đốc Ban y tế Giải phóng quân, rồi Ban Y tế Vệ quốc đoàn Trung ương. Đầu năm 1946, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân y. Năm 1948 được phong quân hàm Đại tá, cùng với một số tướng lĩnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1965 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974.
Bác sỹ Vũ Văn Cẩn là đại biểu Quốc hội khóa 4, 5, 6, 7, là Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 1960 đến năm 1970; quyền Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1971 đến 1974, và Bộ trường Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1974 đến năm 1982. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn từ trần ngày 13-6-1982.
Ông đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, các Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Ông mất ngày 13-6-1982.