Nhà sử học Trần Huy Liệu, người sáng lập ngành khoa học xã hội

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, Giáo sư Trần Huy Liệu (1901-1969) được cử làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền và đảm đương nhiều trọng trách khác. Nhưng có lẽ, đóng góp xuất sắc nhất của ông chính là việc gây dựng ngành khoa học xã hội, tiền thân của Viện Khoa học xã hội. Ông cũng là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học, đặt nền móng cho sử học Việt Nam hiện đại.

Thành lập Ban nghiên cứu Sử-Địa-Văn

Theo ông Trần Chiến, con trai út của Giáo sư, nhà sử học Trần Huy Liệu thì không rõ cha mình quan tâm đến việc nghiên cứu lịch sử chính xác là khi nào. Nhưng khi rời quê nhà ở Nam Định vào Sài Gòn làm báo và trở nên nổi tiếng, từ những năm hai mươi, ba mươi của thế kỷ 20, chàng trai trẻ Trần Huy Liệu đã có những bài viết về các nhân vật lịch sử. Khi bị thực dân Pháp bắt tù ở Côn Đảo, Trần Huy Liệu đã tiếp thu chủ nghĩa cộng sản (khi ra tù tuyên bố ly khai Quốc dân đảng và đứng vào hàng ngũ những người cộng sản) và cũng bộc bạch sau này muốn làm sử.

Giáo sư Trần Huy Liệu thăm lại nhà tù Sơn La năm 1959 (ảnh: Theo Tạp chí Xưa & Nay).


Trong kháng chiến, trên đường đi công tác, hễ gặp chỗ nào có sách là ông lao vào đọc. Kể cả khi địch đang đi càn, Trần Huy Liệu vẫn ghi chép tư liệu. Ông thường viết vào mặt sau của những bản tin tham khảo đã được đóng thành sổ. “Việc ghi chép của cha tôi ban đầu có thể chưa thành ý thức nhưng cứ tập hợp dần dần khiến kho tư liệu dày lên”, ông Trần Chiến kể.

Khoảng năm 1950, Giáo sư Trần Huy Liệu in cuốn “Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam”. Sách in bằng giấy rơm, chỉ độ vài trăm cuốn, có nói đến Đề Thám, Cần Vương, hay những chuyện nhặt dọc đường như khi lên Nhã Nam (Bắc Giang) chạy giặc... “Cuốn sách này tôi cũng chưa được nhìn thấy. Tôi biết đến là bởi cha tôi nhắc nhiều trong nhật ký. Ông cũng ghi lại cả việc sách in thì được bao nhiêu tiền, có nhận xét của người đọc. Sách có người khen người chê nhưng dường như đã đem lại tự tin rất lớn cho cha tôi bởi dẫu gì khi chọn con đường này cũng là sự dò dẫm”, ông Trần Chiến trầm ngâm nói.

Cũng theo ông Chiến, cuốn sách hẳn ý nghĩa hơn nữa với cha mình bởi có ảnh hưởng đến quyết định cho con đường sẽ lựa chọn theo ngành sử, và cũng là sự chiêm nghiệm bản thân. Bởi Giáo sư Trần Huy Liệu là người tự học, không qua trường lớp nào, hoàn toàn không phải là người có căn cốt Nho học như Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh; cũng không phải qua trường phương Đông như Trần Văn Giàu, bằng cấp không thể so với Đặng Thai Mai. “Trong kỳ thi sát hạch chuẩn bị cho thi Hương năm 1915, khi đi thi cha tôi đột nhiên bị ốm. Ngồi làm bài thi mà cha tôi bị sốt đùng đùng nên không thể làm được. Kỳ thi Hương năm ấy đã không có tên cha tôi”, ông Chiến kể.

Năm 1952, qua một đợt chỉnh huấn, ai cũng phải tìm ra khuyết điểm để chỉnh sửa đến khi nào đoàn thể chấp nhận thì mới thôi; Giáo sư Trần Huy Liệu đã nêu nguyện vọng làm công tác viết sử là hợp hơn cả. Ông đã đề xuất với Tổng Bí thư Trường Chinh về sự cần thiết thành lập một cơ quan chuyên biệt, chính thống để nghiên cứu Sử và được đồng ý nhưng phải đưa thêm cả Văn, Địa vào. Trong bản dự án thành lập Ban nghiên cứu Sử-Địa-Văn, ông nêu rõ: “Một dân tộc độc lập, một dân tộc đang kháng chiến để bảo vệ đất nước, góp phần vào việc xây dựng hòa bình nhân loại, không thể không biết đến lịch sử nước mình”.

Năm 1953, Ban nghiên cứu Sử - Địa- Văn (sau này đổi thành Ban nghiên cứu Văn - Sử-Địa) ra đời, trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nhân sự của Ban Nghiên cứu được Tổng Bí thư Trường Chinh ghi gồm: “Các đồng chí Trần Huy Liệu, Minh Tranh, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh và hai người ngoài Đảng là các bạn Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan. Đồng chí Trần Huy Liệu làm Trưởng ban”. Sự ra đời của Ban nghiên cứu Sử - Địa- Văn, tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành khoa học xã hội mà Giáo sư Trần Huy Liệu là người sáng lập, người lãnh đạo đầu tiên.

Chặt nứa dựng lán

Sau khi thành lập Ban nghiên cứu, một căn lán ở Sơn Dương (Tuyên Quang) được dựng lên bằng nứa chặt trên rừng để có phòng làm việc. Trong cuốn “Trần Huy Liệu, cõi người”, ông Trần Chiến viết về căn lán này: “Bên những cột tre, vách nứa lỏng chỏng mấy bồ sách chữ Nho, chữ Pháp. Đấy là tài sản đầu tiên của cơ quan tiền thân cho Viện Khoa học xã hội ngày nay”. Thực tế, lúc ấy, trong điều kiện kháng chiến, việc thu thập tài liệu để nghiên cứu không dễ dàng gì.

Năm 1953 cải cách ruộng đất, nhiều địa chủ, cũng có rất nhiều nhà khoa bảng không cần dùng đến sách vở nữa. Giáo sư Trần Huy Liệu làm giấy giới thiệu rồi cử người, trong đó có Văn Tạo (sau này trở thành Viện trưởng Viện Sử học) đến xin sách về. Năm đầu tiên sau khi thành lập cũng chưa có nghiên cứu nào ra tấm ra món, chưa có hướng nghiên cứu nên trước nhất phải thu thập tư liệu đã.

Song song với thu thập tư liệu thì ông lo bổ sung nhân sự cho các tổ Sử, Địa, Văn trong Ban Nghiên cứu bởi khi ấy quá ít người, mà chủ yếu là nghiên cứu sử. Có hai nguồn chính được ông chú ý là những người ở Khu học xá Nam Ninh đang dạy học và những người của lớp dự bị đại học trong khu 4 (nguồn cung cấp lực lượng trí thức cực lớn cho các ngành khoa học xã hội về sau, bây giờ nhiều người ngoài 80 tuổi, ngày trước là trụ cột của các viện, trường). Nguồn thứ ba mà ông đề xuất là các nhà Nho. Ban nghiên cứu Sử- Địa- Văn sau đó đã thu hút được sự tham gia của các nhà sử học Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Văn Tân, Trần Văn Giáp, Nguyễn Lương Bích..., các nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đổng Chi, Trần Thanh Mại, Ngô Quân Miện, Đinh Gia Khánh...

Việc Giáo sư Trần Huy Liệu đề xuất, quy tụ được nhiều nhà khoa học, thậm chí cả những người ngoài Đảng vào Ban Nghiên cứu, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, trong bài viết nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Giáo sư Trần Huy Liệu là “người có công lớn trong việc phát hiện, tập hợp các nhà khoa học có uy tín vào tổ chức nghiên cứu sử học cũng như khoa học xã hội nước nhà”.

Vì vậy, trong những ngày đầu thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Trần Huy Liệu, Ban nghiên cứu đã biên soạn và xuất bản được nhiều bộ sách như “Sơ thảo lịch sử Việt Nam” (Minh Tranh), bộ “Lịch sử văn học Việt Nam” của tổ nghiên cứu Văn học sử, bộ “Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam” 12 tập của tổ Sử, cuốn “Sơ thảo địa lý Việt Nam” của tổ Địa lý,...

Là người nghiên cứu sử học, Giáo sư Trần Huy Liệu cũng đã để lại một khối lượng công trình sử học có giá trị to lớn gồm các bộ sách, rất nhiều bài nghiên cứu, sách chuyên khảo, hồi ký, diễn văn, nhật ký, thư từ... Trong đó, công trình “Lịch sử 80 năm chống Pháp” có giá trị khoa học cao, sau này đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Xuân Phong
Cơ duyên đến với hội họa bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám
Cơ duyên đến với hội họa bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám

Nổi tiếng với phong cách tranh cổ động rất riêng, năm nay hơn 80 tuổi, họa sĩ Trường Sinh, đã có cả nghìn bức tranh, trong đó có rất nhiều bức khẳng định tên tuổi ông trong lòng công chúng như: “Nixon phải trả nợ máu”; “Khải hoàn môn của học thuyết Nixon”; “Thừa thắng xông lên”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN