Theo đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, bộ luật Lao động năm 2019 đã điều chỉnh quy định về tuổi nghỉ hưu và sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu.
Theo các quy định nêu trên, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Về việc nghỉ hưu sớm, người lao động tham gia BHXH bắt buộc từ 20 năm trở lên có thể nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi trước tuổi nghỉ hưu quy định trong 4 trường hợp, nghỉ hưu sớm tối đa 10 tuổi trước tuổi nghỉ hưu quy định trong 2 trường hợp và nghỉ hưu bất cứ khi nào có yêu cầu trong 2 trường hợp.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, trường hợp chị của bạn đến năm 2026 nếu có 20 năm đóng BHXH, mới chỉ 44 tuổi và không thể hiện có các điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, thì chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí.
Căn cứ vào lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong năm 2026 là 57 tuổi. Năm 2026, chị của bạn mới 44 tuổi, thấp hơn tuổi nghỉ hưu quy định 13 tuổi.
Khi chị của bạn đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào diễn biến quá trình tham gia BHXH của chị với các mức tiền lương cụ thể mới có thể tính lương hưu cho chị.
BHXH Việt Nam hướng dẫn, nếu chị của bạn lo lắng mức lương hưu thấp vì nghỉ hưu sớm, thì có thể nghỉ việc khi đóng BHXH đủ 20 năm và bảo lưu thời gian đã tham gia BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí.
Chị của bạn cũng có thể chọn phương án nghỉ việc và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định để được hưởng quyền lợi về tiền lương hưu cao hơn do có thời gian đóng BHXH nhiều hơn.