Thông tin về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
Người sử dụng lao động cũng phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra (trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định).
Cũng theo bà Ngân, Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người sử dụng lao động phải xây dựng, ban hành kế hoạch về xử lý sự cố và ứng phó với tình huống nguy hiểm khẩn cấp xảy ra tại nơi làm việc, trong đó đã xác định rõ quy trình, trách nhiệm xử lý sự cố tai nạn lao động. Đối với người sử dụng lao động, khi có sự cố xảy ra thì trách nhiệm của người lao động là phải yêu cầu ngừng ngay hoạt động của máy, thiết bị vật tư có nguy cơ tai nạn lao động, không được bắt buộc người lao động phải tiếp tục làm việc tại nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, biện pháp khắc phục xử lý đã được quy định tại kế hoạch xử lý.
Nếu sự cố tai nạn lao động xảy ra trong phạm vi đơn vị, doanh nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phải huy động nhân lực ứng phó kịp thời. Nếu sự cố gây mất an toàn tại đơn vị, doanh nghiệp phạm vi ảnh hưởng tới địa phương thì chính quyền địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp xử lý và nếu vượt quá tầm xử lý của địa phương và doanh nghiệp phải báo cáo lên cấp trên để có chỉ đạo ứng phó.
Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động đủ các điều kiện sau đây thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động: Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc trong giờ làm việc hoặc ở ngoài nơi làm việc theo sự phân công của người sử dụng lao động; sau khi giám định thương tật mà bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp tai nạn 1 lần, từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng. Mức trợ cấp tai nạn lao động được tính theo lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.