Thời tiết miền Bắc đang chuyển dần sang Đông, không khí lạnh, ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn tấn công hệ hô hấp, gây viêm họng, ho, viêm phế quản, viêm phổi...
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những chia sẻ về các biện pháp phòng bệnh hô hấp từ rau diếp cá không cần phải dùng kháng sinh.
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, rau diếp cá (tên dân gian hay gọi là dấp cá), được người Việt sử dụng hàng ngày như một loại gia vị trong bữa ăn. Không chỉ là thực phẩm, rau diếp cá còn là một vị thuốc tốt cho phổi. Trong Y học cổ truyền, rau diếp cá có vị chua, tính hơi hàn, vào kinh Can và Phế, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, hóa đờm, lợi thấp và tiêu thũng. Diếp cá chủ trị viêm phế quản, kiết lỵ, ho gà, viêm niệu đạo, tiêu chảy, mụn nhọt, côn trùng cắn, viêm amidan, cảm lạnh…
Trong y học hiện đại cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ rõ tính hiệu quả của rau diếp cá trong điều trị bệnh viêm phổi. Vị thảo dược này mang đến nhiều công dụng, như kháng viêm hiệu quả, giúp cải thiện nhanh các triệu chứng bệnh viêm phổi; có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, virus gây viêm phổi. Diếp cá được coi là vị thảo dược giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả các triệu chứng ho, khó thở, mệt mỏi, sốt...; tăng cường khả năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng phòng ngừa bệnh tái phát.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong rau diếp cá có chứa một số thành phần như alkaloid, flavonoid. Đây là những chất đem đến khả năng vượt trội trong điều trị viêm phổi, kìm hãm, ngăn ngừa sự phát triển, lây lan của virus gây bệnh; giúp ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn gây ra bệnh lý về viêm phế quản như trực khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng… Đặc biệt trong diếp cá còn có chứa chất decanoyl acetaldehyde, là một hoạt chất có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
“Diếp cá là loại rau sống ở những nơi ẩm ướt, dễ trồng, sinh trưởng tốt. Ngày xưa khi thuốc còn chưa phổ biến, gần như nhà nào cũng trồng vài bụi rau diếp cá để ăn, và khi cần có thể làm thuốc”, Lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ.
Vị chuyên gia Đông y cho biết thêm, cây diếp cá là loại cây toàn năng vì toàn bộ cây dùng làm thuốc. Lá diếp cá được thu hái quanh năm và thường được dùng để ăn sống. Hoặc có thể hái cả cây về, bỏ rễ và phơi khô dùng dần.
Một số bài thuốc từ rau diếp cá
Lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ, rau diếp cá được dùng rất nhiều trong các bài thuốc bổ, chữa bệnh cho phổi.
- Người bị viêm phổi: Dùng 20 g cát cánh, 40 g rau diếp cá, sắc uống hàng ngày. Hoặc dùng rau diếp cá nấu canh trứng tạo thành món ăn tốt cho phổi. Nên ăn món ăn này liên tục trong 30 - 60 ngày, mỗi ngày 1 lần.
- Trường hợp bệnh nhân ung thư phổi sau quá trình điều trị có thể dùng rau diếp cá để cải thiện chức năng cho phổi. Bài thuốc hỗ trợ ung thư phổi gồm: 40 g Thổ phục linh, 40 g đông quỳ tử, 24 g rau diếp cá, 24 g hạn liên thảo, 6 g cam thảo. Sắc uống, ngày dùng 1 thang liên tục trong nhiều tháng.
- Người có ho lao, phổi tổn thương dùng 80g diếp cá tươi, phổi lợn lượng vừa đủ nấu lên ăn cả cái và nước. Một tuần ăn từ 2 - 3 lần, giúp trừ ho cải thiện chức năng phổi.
- Hạ sốt: Rau diếp cá 30 g rửa sạch, xay sinh tố, lọc lấy nước đun sôi uống. Vớt bã đắp lên trán giúp hạ nhiệt.
- Chữa viêm đường tiết niệu: 40 g kim tiền thảo, xa tiền tử và rau diếp cá mỗi thứ 20 g đem sắc uống.
- Chữa trĩ: Lá diếp cá tươi ăn sống và xông hậu môn.
- Chữa trị lỵ cấp, viêm ruột cấp: Rau diếp cá tươi 80 g hoặc dùng khô 40 g, sắc với nước và thêm đường vào uống.
- Chữa đái dắt và đái buốt: Rau mã đề và rau má mỗi thứ 40 g, rau diếp cá 20 g. Sắc lấy nước uống hoặc giã nát, lọc nước uống.
- Chữa chứng táo bón và đại tiện khó: Rau diếp cá khô 10 g hãm với nước sôi trong 10 phút và uống 1 lần/ngày...
Dù có nhiều công dụng trong điều trị các bệnh về hô hấp, Lương y Bùi Đắc Sáng vẫn đưa ra các khuyến cáo đáng lưu ý: Khi sử dụng cần lưu ý rửa sạch do rau mọc dại sống ở vùng ẩm thấp, dễ có ký sinh trùng. Rau có tính hàn nên người có mụn nhọt thể âm hoặc người có hư hàn không nên dùng. Khi dùng rau diếp cá để chữa bệnh nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.