Tại buổi gặp mặt, giao lưu giữa thế hệ trẻ với thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, thương binh Đào Viết Thoàn nhận được nhiều tràng vỗ tay khi nghe ông kể về những công việc giúp ích cho xã hội, điều trị cứu giúp những bệnh nhân bỏng.
Ông Thoàn nhập ngũ năm 1976 và trở thành lính xe tăng Lữ đoàn 408. Cuối năm 1979 ông bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới phía Bắc. Ngay sau đó, ông được đưa về điều trị tại Quân y viện 103, với những vết thương rất nặng trên đầu và chân.
Thương binh, lương y Đào Viết Thoàn kể lại: "Tôi phải chịu nhiều đau đớn khi điều trị vết thương bỏng tại Bệnh viện Quân y 103. Mỗi khi thay băng, mặc dù đã được các thầy thuốc nhỏ nước muối sinh lý, song vết thương vẫn bị dính, làm cho cơ thể đau đớn. Tháo băng từ sáng mà chiều vẫn đau rát".
Điều trị tại viện gần 2 năm nhưng vết thương ở bàn chân ông đã được ghép da nhiều lần mà không liền, vẫn bị hoại tử và lộ xương. Được bác sĩ tại bệnh viện giới thiệu, ông Thoàn đến chùa Trắng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chữa bệnh bằng đông y. Ban đầu, sư cụ trực tiếp đắp thuốc cho ông. Về sau vết thương tiến triển tốt, sư cụ hướng dẫn ông tự điều trị. Cảm giác đầu tiên của ông khi được sư cụ đắp thứ thuốc đó vào vết thương là rất mát, không xót, và khi thay băng thì băng không hề dính vào vết thương, khác hẳn với những lần phải thay băng ở bệnh viện.
Ông nhận loại thuốc nam mà sư cụ dùng có tác dụng hút các chất hoại tử trên vết thương ra ngoài một cách nhanh chóng, và kích thích các tế bào còn sống khiến chúng phát triển. Nghĩ mình là người tàn tật, về quê cũng chẳng làm được gì nên ông Thoàn đã có nguyện vọng ở lại chùa để được học bài thuốc của thầy một cách trọn vẹn.
Thấy ông là người có tâm, có đức, có tố chất và năng khiếu để trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người, sư cụ Thích Đàm Lương đã nhận dạy cho ông nghề thuốc.
Từ tháng 2/1982 đến tháng 7/1987, ông đã đọc và tham khảo rất nhiều tài liệu y học, dược học để chắt lọc tinh hoa từ các bài thuốc cổ truyền của dân tộc. “Tôi nhận ra rằng những cây thuốc nam rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Qua sơ chế, các cây thuốc này có tác dụng làm mau lành vết thương, giảm đau cho người bệnh. Từ đó, tôi đã nghiên cứu và sáng tạo ra bài thuốc gọi là "mỡ sinh cơ", có tác dụng hút dịch mủ, nuôi thịt, tạo da mới để điều trị cho người bệnh từ các cây thuốc nam sẵn có tại địa phương, dễ tìm kiếm, giá thành rẻ”, ông Thoàn chia sẻ.
Năm 1987, ông Thoàn về điều dưỡng tại gia đình và đã bào chế thành công thuốc "mỡ sinh cơ" ứng dụng và điều trị cho vết thương của mình mỗi khi tái phát. Mỗi khi bà con làng xóm quê hương bị bỏng sang xin về bôi ông đều giúp đỡ. Thấy thuốc có hiệu quả, mới đầu chỉ có bà con trong làng, trong xã, trong huyện, trong tỉnh tìm đến ông, rồi đến nhiều người bệnh trong cả nước cũng biết và tìm đến.
Theo lương y Đào Viết Thoàn, thuốc "mỡ sinh cơ" có tác dụng rất tốt mỗi khi đắp vào vết thương cho người bị bỏng, bị thương. Thuốc êm dịu nên mỗi khi thay băng, tháo băng, không cần nhỏ nước muối sinh lý mà vết thương không bị dính, không làm tổn hại đến tế bào đang phát triển. Vì vậy, vết thương, vết bỏng rất nhanh liền, rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm được chi phí cho người bệnh.
Năm 2008, ông Thoàn tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo và bào chế thành công thuốc mỡ dưỡng da sau bỏng làm đẹp da cho người bệnh bị bỏng,
Mặc dù là một thương binh nặng hạng 1/4, nhưng với mong muốn được góp phần nhỏ bé giúp đời, ông đã vượt lên hoàn cảnh, tận tình cứu chữa khỏi bệnh cho gần 29.000 bệnh nhân bị thương, bị bỏng, không để xảy ra tai biến. “Tôi miễn tiền công, tiền thuốc cho người nghèo, đối tượng chính sách, người khuyết tật, trẻ mồ côi và các cháu nhỏ. Từng chịu cảnh đau đớn khi khám chữa bệnh, gia đình cũng từng lâm vào cảnh nghèo túng nên tâm niệm của tôi miễn phí điều trị cho những người nghèo và nhất là trẻ em. Tôi đã xây dựng thêm 2 dãy nhà cấp 4 với 20 phòng để đón tiếp, phục cho cho 40-45 lượt bệnh nhân mỗi ngày”, thương binh Đào Viết Thoàn chia sẻ.
Bài thuốc "mỡ sinh cơ" của ông Thoàn đã được Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), Sở Y tế tỉnh Thái Bình cấp Giấy chứng nhận là người có bài thuốc chữa bỏng. “Mới đây, khi đến các vùng miền núi phía Bắc, qua nghiên cứu tài liệu và thực tế, tôi đã sáng chế ra bài thuốc chữa zona thần kinh và được sở Y tế Thái Bình cấp giấy chứng nhận năm 2019”, thương binh Đào Viết Thoàn chia sẻ.
“Tôi chữa bệnh miễn phí cho nhiều người cũng như sư cụ từng cứu giúp tôi. Chữa khỏi bệnh cho mọi người, tôi đã thực hiện đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn nhưng không phế”. Là thương binh nặng nhưng tôi vẫn góp sức nhỏ bé vào công tác xã hội, giúp ích cho đời”, thương binh Đào Viết Thoàn tâm sự.