Cách di chuyển và lộ trình chi tiết tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Từ ngày 22/12, metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức được đưa vào khai thác thương mại, tuy nhiên việc đi lại bằng tàu điện là điều còn khá mới mẻ với người dân TP Hồ Chí Minh. Để không lạ lẫm khi tàu metro, người dân cần biết về các phương tiện có thể di chuyển đến ga metro và nắm rõ lịch trình chi tiết của các chuyến tàu.

Chú thích ảnh
Hành khách có thể tìm hiểu thông tin về lịch trình tàu tại 14 nhà ga.

Tuyến metro số 1 hay còn gọi là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, bắt đầu từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức). Tuyến metro số 1 có tổng cộng 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son) và 11 ga trên cao (Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia và Bến xe Suối Tiên). Tổng thời gian di chuyển toàn tuyến khoảng 30 - 32 phút, bao gồm thời gian dừng ở các ga. Thời gian di chuyển giữa các ga dự kiến 1 - 2 phút.

Toàn tuyến sẽ có 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 3 toa, vận tốc tối đa là 110 km/giờ cho đoạn trên cao và 80 km/giờ ở đoạn hầm. Sức chứa của mỗi đoàn tàu có thể lên đến 930 khách, gồm 783 khách đứng và 147 khách ngồi. 

Chú thích ảnh
Bảng thông báo thông tin những nhà ga của tuyến metro số 1 được dán ở mỗi ga đến và đi của tuyến metro này. 

Để đi tàu metro, hành khách cần phải đến 1 trong 17 nhà ga trải dài từ Bến Thành đến Suối Tiên bằng nhiều phương tiện, trong đó có các tuyến xe buýt dành riêng cho tàu metro.

Di chuyển bằng phương tiện cá nhân

Để đến các ga tàu metro, hành khách có thể đi bằng xe máy, xe đạp cá nhân và gửi xe tại các bãi xe nhà ga. Giá vé gửi xe máy dự kiến 3.000 - 10.000 đồng/lượt.

Chú thích ảnh
Bảng mô phỏng các ga của tuyến metro số 1. Ảnh: metrohcm

 Di chuyển bằng xe buýt

Hành khách có rất nhiều lựa chọn xe buýt để đến các nhà ga metro số 1 rất tiện lợi. 17 tuyến xe buýt kết nối với các ga metro số 1 đã bắt đầu chở khách từ ngày 20/12. Các tuyến xe buýt này chạy theo lộ trình di chuyển của tuyến metro số 1 từ Quận 1 đến thành phố Thủ Đức, đón khách ở các đường lân cận đến gần nhà ga nhất.

Các tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 có số thứ tự từ 153 đến 169. Xe có nhận diện riêng để người dân dễ nhận biết như: màu chủ đạo là xanh và bên ngoài xe cách điệu thành các đường gợn sóng vàng. Hai bên hông xe trang trí họa tiết hoa hướng dương cùng chữ "xe buýt điện".

Chú thích ảnh
Lịch trình chi tiết của tuyến metro số 1.  Ảnh: metrohcm

Xe buýt trên 17 tuyến này hoạt động từ 5 - 22 giờ hàng ngày, theo khung giờ hoạt động của tuyến metro số 1, mỗi chuyến cách nhau từ 8 - 22 phút. Hành khách đi xe buýt này cũng được miễn vé 30 ngày, đồng bộ với tuyến metro số 1. Sau thời gian miễn phí, giá vé áp dụng 3.000 đồng/lượt đối với sinh viên và 5.000 đồng/lượt đối với hành khách.

Chú thích ảnh
Xe buýt kết nối các ga metro.

Lộ trình 17 tuyến xe buýt điện gom khách đến các nhà ga metro gồm:

Bến tàu thủy Bình An - đường Liên Phường (Tuyến 153)

KDC Thạnh Mỹ Lợi - Masteri An Phú (Tuyến 154)

Bến xe buýt Sài Gòn - Nhà hát Thành phố (Tuyến 155)

Bến xe buýt Sài Gòn - Ga Hòa Hưng (Tuyến 156)

Bến xe buýt Văn Thánh - Chung cư Đức Khải (Tuyến 157)

Bến xe buýt Văn Thánh - Cư xá Thanh Đa (Tuyến 158)

Chung cư Ngô Tất Tố - Ngã tư Hàng Xanh (Tuyến 159)

Ga Văn Thánh - Vinhomes Central Park (Tuyến 160)

Bến xe buýt Văn Thánh - Bến xe Ngã Tư Ga (Tuyến 161)

Chung cư Man Thiện - Trường THCS Hoa Lư (Tuyến 162)

Cao đẳng Công Thương - Trường THCS Phước Bình (Tuyến 163)

Đại học Nông Lâm - Chung cư Topaz (Tuyến 164)

Đại học Nông Lâm - Khu công nghệ cao (Tuyến 165)

Đại học Quốc Gia - Suối Tiên (Tuyến 166)

Đại học Nông Lâm - Khu chế xuất Linh Trung I (Tuyến 167)

Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật - Ngã tư Bình Thái (Tuyến 168)

Vincom Thủ Đức - Ngã tư Tây Hòa (Tuyến169)

Di chuyển bằng xe đạp công cộng

Tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh đang có đến 43 trạm xe đạp công cộng, người dân có thể lựa chọn đi xe đạp công cộng đến các ga tàu. Các trạm xe đạp này có ở dọc các đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Phạm Hồng Thái, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Minh Khai, Hàm Nghi, Công viên Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, ở đầu và cuối phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Thị Nghĩa.

Chú thích ảnh
Một nhà ga trên cao của tuyến metro số 1.

Di chuyển bằng các phương tiện khác

Ngoài ra, để đến các nhà ga metro số 1, hành khách có thể chọn taxi, xe ôm công nghệ... Nếu nơi làm việc, nhà ở quanh nhà ga, bạn hoàn toàn yên tâm đi bộ và nên sử dụng cầu vượt nếu xuất phát ở phía bên kia nhà ga.

Hiện nay, trong vòng 1 tháng từ 22/12/2024 đến 20/1/2025, hành khách đi metro số 1 được hoàn toàn miễn phí. Sau thời gian này hành khách mới phải trả tiền vé.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đòn bẩy phát triển du lịch từ tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Đòn bẩy phát triển du lịch từ tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là công trình mang tính biểu tượng về hạ tầng hiện đại, mà còn là nền tảng quan trọng phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh bền vững kết nối chuỗi điểm đến văn hóa, lịch sử và giải trí đặc sắc của thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN