Móng Cái là một trong bốn trung tâm du lịch của Quảng Ninh. Năm 2016, thành phố vùng biên này đón 1,6 triệu lượt khách tới tham quan, tăng 52% so với năm 2015. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước.
Chương trình nghệ thuật "Ấn tượng Bình Liêu" tại lễ khai mạc Lễ hội hoa Sở năm 2016, đánh dấu một sự kiện văn hóa độc đáo và là điểm nhấn du lịch của vùng biên giới Bình Liêu. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN |
Năm 2016, Móng Cái đã mạnh dạn đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như: Tour du lịch tham quan thành phố bằng xe điện; du lịch bằng xe tự lái qua biên giới; du lịch khám phá, trải nghiệm đảo biên giới Vĩnh Trung, Vĩnh Thực.
Ông Long Thụ Mãn, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) cho biết, lượng khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam khá đông, mọi thủ tục đều thông thoáng. Việc tổ chức tham quan rất thuận thiện và nhận được phản hồi rất tốt từ du khách.
Tháng 9/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận tuyến du lịch Trung tâm thành phố Móng Cái - đảo Vĩnh Thực - đảo Vĩnh Trung với các điểm du lịch gồm: Ngọn đèn Hải Đăng, bãi biển Đầu Đông (xã Vĩnh Thực); bãi biển Bến Hèn (xã Vĩnh Trung).
Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và người dân trên hai xã đảo, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương và thúc đẩy hoạt động du lịch ở vùng biên giới.
Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có những rừng hồi, quế, sở; có ruộng bậc thang trải dài tầm mắt và vẻ đẹp hùng vĩ của các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử như: Thác Khe Vằn, đình Lục Nà, cây đa lịch sử Lục Hồn, núi Cao Xiêm, thác Khe Tiền...
Bên cạnh đó, các lễ hội văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn còn giữ nguyên nét truyền thống, tiêu biểu như, hội hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ, ngày lễ kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao...
Đây chính là những thế mạnh để địa phương đa dạng hóa các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch biên giới gắn với bản sắc riêng của địa phương. Qua đó, góp phần tạo sản phẩm du lịch mới cho tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tháng 12/2016, huyện Bình Liêu đã tổ chức thành công lễ hội hoa sở lần thứ hai nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới từ loài hoa đặc trưng của huyện. Lễ hội hoa sở Bình Liêu 2016 là dịp để các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu, phát triển thị trường du lịch tại Bình Liêu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới giới thiệu đến du khách, đồng thời xây dựng Bình Liêu thành điểm đến hấp dẫn, khác biệt tại vùng Đông Bắc.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch, Bình Liêu đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung xây dựng các quy hoạch chi tiết về du lịch; quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư phát triển du lịch; bố trí đầu tư về cơ sở hạ tầng tại các tuyến, điểm du lịch.
Cùng với đó, địa phương huy động đông đảo nhân dân trên địa bàn tham gia phát triển du lịch cộng đồng, nhất là tại các vùng có nhiều tiềm năng khai thác du lịch như Khe Vằn, Khe Tiền...
Là người đầu tiên làm du lịch ở thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), Trưởng thôn Dường Cắm Hếnh đang vận động đồng bào trong thôn làm du lịch cộng đồng từ việc tận dụng nhà ở của mình làm nơi tiếp đón, lưu trú cho khách du lịch, qua đó vừa giúp người dân vùng cao có thêm thu nhập, vừa giới thiệu được bản sắc văn hóa dân tộc Bình Liêu đến du khách.
Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Mai Vũ Tuấn cho biết: Bình Liêu đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch văn hóa - nghỉ dưỡng - vùng núi, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của Quảng Ninh. Đồng thời, sẽ đón khoảng hơn 60 vạn lượt khách du lịch tới tham quan, doanh thu từ du lịch đạt hơn 500 tỷ đồng.