Sản phẩm du lịch đa dạng
Đầu tháng 12 vừa qua, CNN đã công bố báo cáo thường niên của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International với danh sách 100 thành phố là điểm đến hàng đầu thế giới 2023. Theo đó, Việt Nam có hai đại diện nằm trong top 100 là TP Hồ Chí Minh đứng thứ 85, Thủ đô Hà Nội thứ 98.
Điều này cho thấy, TP Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa với các sản phẩm du lịch đa dạng, là "thành phố không ngủ" với những hoạt động vui chơi, giải trí sôi động cả ngày lẫn đêm. Không chỉ là thành phố trẻ năng động, TP Hồ Chí Minh còn được xem là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử khác biệt. Có nhiều di tích, bảo tàng trong thành phố được khách trong và ngoài nước biết đến.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023 du lịch thành phố tiếp tục bứt phá với nhiều chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển. Không những thế, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách du lịch, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam với gần 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra và cao hơn 25% so với năm 2019 (năm đạt doanh thu cao nhất trước dịch).
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, để có thành công trên là nhờ các doanh nghiệp du lịch lữ hành, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh và tái định hình các sản phẩm du lịch, cùng với các địa phương xây dựng một loạt các tour độc đáo tại từng quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Điều này đã mở ra thêm nhiều lựa chọn dành cho du khách, thúc đẩy du khách chi tiêu vào các hoạt động vui chơi và khám phá. Đặc biệt, trong năm 2023, ngành du lịch cũng đã xây dựng các chương trình liên kết với các điểm du lịch khác trong cả nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thêm các tour mới, đạt hiệu quả cả về chất lượng tour cũng như giá thành, tạo thêm cơ hội lựa chọn cho du khách đến với thành phố.
Trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố gần 50 sản phẩm du lịch với 20 sản phẩm du lịch mới dành cho nhiều phân khúc khách du lịch. Đặc biệt, chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TP Hồ Chí Minh đã tạo điểm nhấn; tour du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng - Cần Giờ, tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn, du lịch ẩm thực... tiếp tục được thúc đẩy.
Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh kỳ vọng đón được lượng khách lớn từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... khi tất cả hoạt động du lịch, dịch vụ được khôi phục. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai các giải pháp, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và hoàn thành mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa để tổng thu ngành du lịch đạt 190.000 tỷ đồng.
Mặt khác, Thành phố cũng tập trung thực hiện chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030; tập trung nâng chất, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng sản phẩm làm nên thương hiệu, đặc biệt thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch... Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung cho các sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như: Du lịch MICE, golf, du lịch tàu biển; phát triển các hoạt động ẩm thực, giải trí, mua sắm.
Tăng cường liên kết
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour cho cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trong năm 2024, ngành du lịch cần kết nối các sản phẩm du lịch với doanh nghiệp... để tạo sự đa dạng cho các sản phẩm du lịch đặc trưng. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cần sự kết nối và liên kết rất lớn từ vận chuyển, đi lại, lưu trú, khách sạn, dịch vụ ăn uống… nếu không kết nối sẽ rất khó tạo được sức mạnh tổng thể của ngành.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist cho biết, hiện nay, ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên cần có sự chia sẻ để tạo ra chuỗi sản phẩm, lợi nhuận cao nhất. Riêng TP Hồ Chí Minh đang có vị thế là điểm đến của khách du lịch trước khi đến với các địa phương khác, có đặc trưng riêng nên thành phố cần có sự liên kết các vùng và phát triển sản phẩm đặc trưng. Ngoài ra, ngành du lịch Thành phố cũng cần tập trung đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn để các tỉnh, thành lân cận có thể đưa khách tới thành phố nhiều hơn.
Còn theo ông Trần Quang Duy, Giám đốc Lữ hành Chim Cánh Cụt, TP Hồ Chí Minh cũng cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, khai thác tiềm năng du lịch đường thủy, tăng trải nghiệm cho du khách, đẩy mạnh sản phẩm du lịch di tích - lịch sử, đa dạng các loại hình du lịch, chú trọng bảo vệ môi trường...
Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành du lịch phấn đấu đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 850 nghìn tỷ đồng. Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu năm 2024 và tiếp tục phát huy vai trò là đầu tàu của ngành du lịch cả nước, TP Hồ Chí Minh cũng cần tập trung triển khai các giải pháp phát triển du lịch bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam... ; tiếp tục triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch Thành phố; thu hút khách du lịch quốc tế theo phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
"Đối với việc nâng chất sản phẩm, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục xây dựng, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, sản phẩm dịch vụ đặc trưng riêng theo hướng phát huy và khai thác các thế mạnh, bản sắc và tiềm năng về du lịch của Thành phố; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ khách du lịch; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu, tạo bước chuyển biến có tính đột phá, lan tỏa trong liên kết phát triển du lịch nội vùng Đông Nam Bộ, liên kết với vùng ĐBSCL và các vùng, địa phương khác trong cả nước. Ngoài ra, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cần xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến du lịch của địa phương phù hợp với định hướng, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia...", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm.