Nở rộ chợ đêm, phố đêm
Các mô hình phát triển kinh tế đêm tại TP Hồ Chí Minh hiện đang hoạt động khá hiệu quả và tạo nên “thương hiệu” như: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền…
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3) cho thấy, kể từ khi được phát triển thành phố ẩm thực đêm, nơi đây luôn nhộn nhịp và thu hút khá đông khách, nhất là vào dịp cuối tuần.
Phố ẩm thực đêm Nguyễn Thượng Hiền dài 368m (từ đầu giao lộ Nguyễn Thượng Hiền - Điện Biên Phủ đến giao lộ Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Đình Chiểu, thuộc địa bàn Phường 4, Quận 3), với 143 cơ sở kinh doanh, trong đó có 92 hộ kinh doanh ăn uống giá bình dân và 51 hộ kinh doanh các dịch vụ khác như quần áo, giày dép, làm tóc...
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND Quận 3 cho biết, việc xây dựng phố ẩm thực đêm Nguyễn Thượng Hiền đã và đang tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh ẩm thực trên con đường này phát triển mạnh hơn và có sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó,tuyến đường này có nhà dân nhỏ, nằm sát nhau, nhiều hộ kinh doanh buôn bán nên việc tổ chức thành phố ẩm thực sẽ giúp đời sống của người dân ổn định; đồng thời cũng giúp phát triển lĩnh vực kinh tế đêm của địa phương.
Tương tự, mới đây, quận Phú Nhuận cũng đã “biến” đường Phan Xích Long thành phố ẩm thực đêm. Trục chính của phố này là đoạn từ ngã tư Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu đến khu dân cư Rạch Miễu. Ở đây được tổ chức thành các phân khu dịch vụ khác nhau với hoạt động chính là ẩm thực và mua sắm, dành cho người dân và du khách. Ngoài ra, UBND quận Phú Nhuận cũng bố trí khu vực xe điện, mở thêm bến thuyền tham quan trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để đón khách đi đường thủy từ Quận 1 và Quận 3.
Trước quận Phú Nhuận, UBND nhiều quận, huyện khác cũng đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế đêm để tăng doanh thu cho quận. Cụ thể, UBND Quận 4 đã đưa vào hoạt động phố ẩm thực trên đường Vĩnh Khánh; UBND Quận 3 xây dựng phố đi bộ ở Hồ Con Rùa; UBND Quận 6 xây dựng phố đi bộ kết hợp ẩm thực ở khu chợ Bình Tây; UBND huyện Cần Giờ cũng có kế hoạch tổ chức tour du lịch khám phá rừng ngập mặn về đêm với các hoạt động mò cua, bắt ốc, cắm trại, tổ chức tiệc nướng ngoài trời…
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, phát triển kinh tế đêm được xác định là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.
“Ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch cho du khách tham quan, trải nghiệm ban ngày thì TP Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư phát triển thêm các sản phẩm, các hoạt động về đêm. Đây cũng là cách để thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú. Mặt khác, khi TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển kinh tế đêm còn góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lê Trương Hiền Hoà cho biết.
Cần phải có nét riêng
Mặc dù có sự đầu tư đổi mới để bắt kịp xu hướng, tuy nhiên, theo đại diện các công ty du lịch, lữ hành tại TP Hồ Chí Minh, các mô hình kinh tế đêm, phố ẩm thực của các quận, huyện như hiện nay khó thu hút được du khách, nhất là khách quốc tế. Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh nên chọn vài địa điểm và đầu tư, tạo bản sắc riêng, thay vì cho mở phố đêm ở nhiều nơi mà không có gì đặc sắc. “Các nước Singapore, Thái Lan cũng chỉ tập trung vào vài khu ở trung tâm các thành phố lớn để thu hút khách và quy hoạch đồng bộ, có nhiều dịch vụ liên hoàn gồm giải trí, ca múa nhạc, ăn uống, mua sắm…”, ông Phạm Quý Huy đề xuất.
Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (Bến Thành Tourist) cũng cho rằng, yếu tố đặc trưng trong các phố ẩm thực đêm rất quan trọng. Hiện nay, TP Hà Nội đã có phố đêm Tạ Hiện, TP Hồ Chí Minh cũng có phố Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ phần nào đã tạo được nét riêng. Ở phố đi bộ Tạ Hiện, gần như mọi hộ dân trên các đường nhánh đều tham gia dịch vụ ẩm thực, hàng quán cạnh tranh nhau về thiết kế, cung cách phục vụ sáng tạo để thu hút khách. Du khách đến phố này đi các ngóc ngách vẫn không thấy chán do có nhiều điều để trải nghiệm. Vì vậy, tại TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện khi xây dựng quy hoạch làm phố ẩm thực mà vẫn còn hộ kinh doanh điện thoại, hộ sửa xe, nhà dân… đóng cửa vào buổi tối thì sẽ khó thu hút khách du lịch và công ty du lịch khó đưa vào chương trình tour để giới thiệu cho du khách.
“Muốn phát triển kinh tế đêm, TP Hồ Chí Minh nên quy hoạch các ngành nghề cùng kinh doanh một mặt hàng, dịch vụ với nhau để có thể mở cửa thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, dịch vụ tại các khu phố đêm hiện nay đa số chỉ mở cửa đến 22 giờ thì chưa thể gọi là kinh tế đêm được. Cần kéo dài thời gian hoạt động của các dịch vụ đến 4 - 5 giờ sáng, đồng thời phải đảm bảo về an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách khi trải nghiệm ở các con phố đêm, chợ đêm tại TP Hồ Chí Minh”, đại diện Bến Thành Tourist cho biết.
Bà Phan Yến Ly, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch, cho biết, nhiều khu phố đêm hiện không có sự đồng bộ về quy hoạch, thiếu sự khảo sát, tư vấn của các chuyên gia và sự đồng thuận của người dân nên thiếu sức hút, dễ gây nhàm chán, chẳng hạn như khu vực ẩm thực bên hông chợ Bến Thành (Quận 1) hay các chợ đêm ở Quận 5, Quận 10... Trong khi đó, nhờ quy hoạch đồng bộ, các phố đi bộ như Bùi Viện, Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình đã hoạt động hiệu quả và thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây vui chơi, trải nghiệm các dịch vụ.
Chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế đêm tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã có đề án phát triển kinh tế đêm nhằm thu hút thêm nhiều du khách bằng việc hình thành những con phố ẩm thực, con phố chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang, kim hoàn... Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển bền vững kinh tế đêm, TP Hồ Chí Minh rất cần các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng chung tay để xây dựng những quy chuẩn, quy trình cụ thể. Đồng thời, Thành phố cũng đang rà soát lại những quy định pháp luật có liên quan, xem xét có thể nới rộng thời gian hoạt động cho các dịch vụ ở những khu vực được chọn thí điểm làm kinh tế đêm, cũng như giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của thành phố và sự đồng thuận của cộng đồng dân cư.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, do các hoạt động kinh tế, văn hoá, giải trí, du lịch đều tập trung vào ban ngày, gây áp lực rất lớn cho hạ tầng giao thông. Nếu TP Hồ Chí Minh khai thác tốt các hoạt động kinh tế ban đêm, áp lực này sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, Sở cũng đề xuất cần tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư mạnh các sản phẩm, dịch vụ có thể thu hút du khách, đồng thời khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm, khu phi thuế quan, các tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế vào ban đêm để giữ chân du khách lâu hơn khi đến với TP Hồ Chí Minh.