Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, hầu hết hoạt động kinh tế trở lại hoạt động bình thường theo hướng vừa kinh doanh sản xuất, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để sẵn sàng chuẩn bị và đảm bảo nguồn nhân lực, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chuỗi hoạt động tăng cường, cập nhật kiến thức nghiệp vụ cho các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Trong đợt này, Sở Du lịch và Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm như kỹ năng, biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; cập nhật quy định mới nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2022 dành cho các cơ sở lưu trú du lịch (có cung cấp các dịch vụ ăn uống) và cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Những đơn vị tham gia sẽ được hỗ trợ kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm nắm bắt, hiểu được tầm quan trọng của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... trong quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động, du khách khi sử dụng những dịch vụ ăn uống tại cơ sở.
Trước đó, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai đợt bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý buồng/phòng cho đội ngũ quản lý trong tình hình mới. Cụ thể, đơn vị tham gia được hướng dẫn quy trình mẫu và quy tắc an toàn trong nghiệp vụ vệ sinh, chuẩn bị buồng/phòng, công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, giới thiệu cách sắp đặt vật dụng trong buồng/phòng theo hướng tinh giản trong tình hình mới - quy trình làm buồng/phòng.
Về phía Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, bà Bùi Thị Kim Phụng, Chuyên viên Đội quản lý An toàn thực phẩm số 1 cho hay, các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cần lưu ý vi phạm về phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm và thực hiện các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Trong đó, có thể kể đến những trường hợp như không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện sự cố an toàn thực phẩm; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm và các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm; che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm...
Thống kê trong quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 3/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 3/2022 đạt 5.764 tỷ đồng, tăng 7,8% so với tháng trước; còn nhóm du lịch, lữ hành tháng 3/2022 đạt 505 tỷ đồng, tăng 3,1%. Hiện nay, du lịch nội địa vẫn là thị trường chủ yếu, tuy nhiên với việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đạt được những kết quả rất khả quan trong những quý tiếp theo.
Mới đây, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp cùng Bệnh viện Quân y 175 và Công ty trực thăng miền Nam, tổ chức chuyến bay khảo sát xây dựng hoạt động du lịch "Ngắm Thành phố Hồ Chí Minh từ trên cao", cấp cứu dịch vụ bằng đường hàng không...
Dự kiến hoạt động này sẽ được đưa vào khai thác nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), nhằm khởi động cho chuỗi sản phẩm mới, độc đáo mà ngành Du lịch Thành phố đang triển khai xây dựng để thu hút khách du lịch, đón đầu thị trường khách quốc tế khi mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới và hướng đến mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.