Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch MICE tại Việt Nam, thưa ông?
Hiện nay, mọi người có xu hướng không phân biệt giữa du lịch thông thường và du lịch MICE. Điều đó có nghĩa du lịch MICE đang trở thành một bộ phận của du lịch. Dường như mọi đoàn khách có tính tổ chức đều có các hoạt động du lịch MICE, như đoàn tham quan đông người tổ chức gala dinner, tiệc, sự kiện tại điểm đến…
Du lịch MICE ở mọi nơi và điểm đến Việt Nam đang thực sự là cơ hội cho ngành du lịch của Việt Nam nói riêng và cũng trở thành một điểm đến trong khu vực và quốc tế.
Mới đây, Việt Nam đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ đến tham quan. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thu hút khách đoàn du lịch MICE đến thị trường tiềm năng này, thưa ông?
Không phải bây giờ mới có đoàn khách đông khoảng 4.000 người tới Việt Nam. Đoàn khách 4.500 người đến từ Ấn Độ được biết đến do được truyền thông quan tâm, nhất là mạng xã hội thông tin mạnh mẽ.
Tuy nhiên, việc đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ thực sự là đoàn đông nhất từ thị trường này. Trước đó, trong khoảng 10 năm, Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách từ 1.000 - 3.000 người, nhưng chưa quan tâm truyền thông nhiều.
Với những đoàn khách lên tới 4.500 người, có nhiều cách để ứng xử. Việt Nam là sự lựa chọn của du khách Ấn Độ về điểm đến phong phú tài nguyên thiên nhiên, văn hoá truyền thống, sự hiếu khách và sự phục vụ chuyên nghiệp, chuyên môn hóa.
Thực tế, nhân sự ngành du lịch hiện nay chưa đáp ứng được các nhu cầu của đoàn khách cao cấp và lao động thời vụ đang là một trong những vấn đề cần cải thiện của du lịch Việt Nam. Với những đoàn khách 4.500 người, khó có thể đòi hỏi 100% hướng dẫn viên chuyên nghiệp, mà phải bổ sung thêm sinh viên các trường đại học, cao đẳng về du lịch.
Bên cạnh đó, trang thiết bị, cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch có liên quan đặc thù đến du lịch MICE, như phòng hội nghị lớn cho vài ngàn người ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu, chưa kể lực lượng phiên dịch, ngoại ngữ cũng là vấn đề hạn chế.
Vậy, quan điểm của ông về các thị trường khách du lịch MICE của Việt Nam thời gian tới là gì, thưa ông?
Thị trường du lịch MICE của Việt Nam trước đây vẫn là điểm đến cho một bộ phận những khách Âu, Mỹ và điều đó đã chứng thực. Việt Nam vẫn chưa đón các đoàn khách du lịch đông từ thị trường khách Trung Quốc, nhưng gần đây đã đón một số lượng khách du lịch MICE cao cấp của Trung Quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Clip Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam chia sẻ thông tin về du lịch MICE Việt Nam:
Tiếp đó, các thị trường khách truyền thống cũng đã trở lại và đem đến cho Việt Nam nhiều nguồn khách MICE như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… Còn những điểm đến mới đối với Việt Nam như Ấn Độ có nhu cầu lớn, trong đó phân khúc MICE đang được khách hàng lựa chọn.
Đoàn khách MICE khi tìm hiểu sâu sẽ thấy, có những đoàn khách có yêu cầu đặc biệt, thậm chí khó đáp ứng và bị "ép giá". Đây cũng là bài toán cần giải quyết đối với các đơn vị cung cấp du lịch MICE của Việt Nam.
Vậy CLB du lịch MICE Việt Nam có sự liên kết với các đơn vị cung cấp các dịch vụ để quảng bá, xúc tiến đến với các thị trường du lịch MICE quốc tế lớn không, thưa ông?
CLB cũng đã có kết nối những đơn vị có tên tuổi trong làng MICE của Việt Nam. Những sự kiện, hoạt động lớn như MICE EXPO 2024 là cơ hội để mở rộng hệ sinh thái của ngành MICE Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều đơn vị vẫn chưa kết nối được với nhau. Do đó, các đơn vị chuyên môn cần phải ngồi lại với nhau để thống nhất tạo ra hệ thống phục vụ MICE hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ trong nội bộ ngành MICE Việt Nam để có thể giải quyết được một số vấn đề trước mắt như về nhân sự, cung ứng dịch vụ.
Sự liên kết giữa các đơn vị làm du lịch MICE tại Việt Nam là cơ hội để minh bạch hóa thông tin, cung cấp thông tin cho cả người mua, người bán và góp phần nâng cao sức mạnh nội sinh của ngành Du lịch Việt Nam.
Xin trân trọng cám ơn ông!