Nằm cách tỉnh lỵ Lào Cai chừng 70 km, Bắc Hà được mệnh danh là “Cao nguyên trắng”, bởi nơi đây vào mùa xuân du khách sẽ nhìn thấy màu trắng của những loài hoa: Mận, mơ, lê… nở rộ khắp cả các núi rừng. “Cao nguyên trắng”, vùng đất đã quá nổi tiếng, vì thế mà nhạc sỹ Thuận Yến lần đầu đến Bắc Hà không giấu nổi cảm xúc của mình đã viết lên bài hát “Bắc Hà yêu thương”. Những lời ca “Mời anh đến thăm quê em, chỉ một lần mãi không quên/ Đất Bắc Hà núi non xanh biếc/Người Bắc Hà nghĩa nặng tình sâu” phần nào đã nói lên sự trìu mến thân thương của đất và người vùng cao này.
Từ Lào Cai vào Bắc Hà du khách qua dốc Trung Đô, một con dốc dựng đứng lên cổng trời uốn mình quanh co trên sườn những dãy núi hùng vĩ, kiêu sa, phủ trên mình những làn sương mù trắng xóa vào buổi sáng. Dừng chân nơi đây khi bình minh lên, du khách được thưởng thức những làn gió mát mang theo hương sắc của cỏ cây, hoa lá hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, bình minh dần dần lên cao, những làn sương mù tan đi, cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình dần dần hiện ra, trước mắt là những dãy núi sừng sững oai hùng với nhiều chiến tích. Tô điểm dưới chân núi là những cung ruộng bậc thang vàng óng, nhấp nhô những ngôi nhà sàn, nhà trình tường của đồng bào các dân tộc, đây là đặc trưng riêng của vùng cao sơn cước.
Đến Bắc Hà, điểm khác biệt lớn nhất ở đây là khí hậu mát mẻ quanh năm, vào dịp chợ phiên, cảm nhận đầu tiên là hình ảnh đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá, La Chí… trong trang phục truyền thống xúng xính xuống chợ. Chợ phiên Bắc Hà họp vào chủ nhật hằng tuần, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là chỗ gặp gỡ, giao lưu bạn bè, người thân. Đây là chợ phiên ở vùng cao biên giới vẫn còn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang sơ, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuần nào cũng vậy, vào chủ nhật, từng đoàn người lại kéo nhau về thị trấn Bắc Hà họp chợ. Từ trên cao nhìn xuống, chợ Bắc Hà như một vườn hoa di động rực rỡ sắc màu của váy áo phụ nữ các dân tộc thiểu số mặc đi chơi chợ hoà cùng sắc màu tươi mới của các quầy hàng ở chợ. Chợ phiên Bắc Hà được chia ra 4 khu, khu vực bán gia súc với hàng nghìn con trâu, ngựa, bò, lợn; khu vực bán đồ tạp hóa như cày, cuốc, xẻng, dao; khu bán đồ thổ cẩm, đồ trang sức; khu vực hàng ăn với những chảo thắng cố khói bốc lên nghi ngút, lan tỏa hương vị.
Ở chợ phiên Bắc Hà, điểm thu hút phụ nữ dân tộc và khách du lịch nhiều nhất chính là khu bán các đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm và cả những chiếc gùi bằng mây duyên dáng. Anh David reyner đến từ Canađa chia sẻ: “Tôi đến đây vì được nghe nói rằng nơi này rất đẹp, có rất nhiều người dân tộc đến đây và bạn bè thế giới cũng nói rằng, chỉ có một ngày chủ nhật. Tôi sẽ giới thiệu về Bắc Hà vì Bắc Hà có rất nhiều dân tộc với màu sắc sặc sỡ”.
Du thuyền trên sông Chảy. |
Đối với đàn ông vùng cao, chợ cũng là nơi để một tuần họ có thể gặp gỡ cùng uống rượu bên chảo thắng cố - món ăn đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Anh Hảo bán thắng cố ở chợ cho biết: Thắng cố là món ăn đặc sản của địa phương, nấu thắng cố phải có bí quyết riêng, sau khi mổ ngựa, làm thịt sạch sẽ xong, tất cả "lục phủ ngũ tạng" được chặt ra thành từng miếng cho vào chảo gang to cùng với thịt thủ, thịt mông, xương đầu, xương chân xào lăn, miếng thịt se se cạnh, rồi cho các loại gia vị riêng của nó cùng với nước vào ninh nhừ hàng tiếng.
Anh Hồ Thanh Tâm – Giám đốc Công ty Du lịch Tam Tam thành phố Đà Nẵng cho biết: “Mình lên Bắc Hà nhiều lần rồi, hôm nay mới có dịp được ngồi quây quần cùng với bà con bên chảo thắng cố, nâng chén rượu ngô thơm nồng, cảm giác này rất tuyệt vời”.
Những người đã thưởng thức rượu Bắc Hà luôn nhớ câu “Khi vào nhớ dốc Trung Đô/ Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”.
Rời chợ phiên chúng tôi lên núi Cô Tiên, ở đây du khách được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, sừng sững ngay trong lòng thị trấn Bắc Hà. Dưới chân núi là dinh thự cổ Hoàng A Tưởng, trầm tĩnh uy nghi và những ngôi nhà tân thời, những thảm lúa, nương ngô, cánh rừng xanh ngắt, chứng minh cho sự thịnh vượng của một vùng đất. Không chỉ có vậy, Bắc Hà còn có các lễ hội của đồng bào các dân tộc như: Lễ hội xuống đồng của người Tày, Lễ hội say sán của người Mông, đặc biệt Lễ hội đua ngựa truyền thống, được huyện tổ chức vào khoảng tháng 5 – 6 hàng năm, vào dịp này du khách được chứng kiến một lễ hội đua ngựa thực sự hấp dẫn và thưởng thức hương vị thơm ngon của mận tam hoa, được du thuyền khám phá hang tiên thơ mộng trữ tình trên dòng sông Chảy.
Đặng Ngọc Luyến