Phát triển thương hiệu du lịch doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, ước tính từ đầu năm 2024 đến ngày 13/6, địa phương đón được 850 ngàn lượt khách, tăng 21,1% (đạt 51,5% kế hoạch của năm 2024); trong đó, khách quốc tế đạt 300 ngàn lượt, tăng 60,3% so cùng kỳ năm 2023. Doanh thu ước đạt 600 tỷ đồng, tăng 25,3% so cùng kỳ năm 2023.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm hoạt động tự bơi xuồng trên sông trong Nông trại dê sữa du lịch Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Ông Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, lượng khách du lịch đến địa phương trong những tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ, nhất là khách quốc tế nhờ tác động tích cực của nhiều chính sách trong phục hồi du lịch; đặc biệt là chính sách về visa.

Tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp phát triển ngành Du lịch cùng với việc tổ chức những hoạt động, sự kiện, chương trình tham quan, trải nghiệm thú vị, mới mẻ và hấp dẫn. Hoạt động du lịch trên địa bàn ổn định; công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường được đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng của điểm đến.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 2 điểm du lịch (Trương Gia Phủ và phố Ông Đồ). Đơn vị phối hợp Sở Công Thương hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm, triển khai điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tỉnh tại cửa hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Trí Sơn với 65 sản phẩm của 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Sở phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho khảo sát thực tế tại địa bàn để thực hiện mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và phát triển sản phẩm OCOP tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang”. Qua đó, định hướng và hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm biểu diễn đờn ca tài tử trên địa bàn xã gắn với các điểm sinh hoạt động đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác mời gọi đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; chú trọng chuyển đổi số ngành du lịch; nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa gắn với phát triển du lịch; tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Tiền Giang trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch.

Tiền Giang tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm mới, tập trung khai thác lợi thế, tận dụng tối đa tiềm năng của điểm đến để thu hút du khách; tiếp tục triển khai các nội dung trong Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình liên kết phát triển du lịch Cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh phấn đấu thu hút 800.000 lượt khách; trong đó, khách quốc tế đạt 250.000 lượt người. Doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 650 tỷ đồng.

Hữu Chí (TTXVN)
Hình thành các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch địa phương
Hình thành các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch địa phương

Kiên Giang là một trong bốn tỉnh vùng trọng điểm kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ngành “công nghiệp không khói” này những năm gần đây có bước phát triển nhanh, đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Du lịch Kiên Giang định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới là điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN