Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã đạt được sự phát triển ấn tượng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và kích thích các ngành kinh tế khác phát triển.
Tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn
Tỉnh Khánh Hòa không chỉ có thành phố Nha Trang làm du lịch. Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay đã tạo được bộ mặt “đáng nể” với hàng chục khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) hiện đại, đạt chuẩn 4 – 5 sao tọa lạc bên bờ biển Bãi Dài. Trong đó, nhiều khách sạn tạo được thương hiệu như Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Cam Ranh (một trong 5 đơn vị đại diện cho Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng "Khách Sạn Xanh ASEAN 2024" tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á (ATF 2024), diễn ra vào đầu năm nay tại Lào) hay khu du lịch Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa) với vẻ đẹp nguyên sơ của bãi biển dài gần 10km
Sau khi cố gắng vượt qua những khó khăn của đợt dịch COVID-19, trong năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đón 7,2 triệu lượt du khách đến lưu trú, tham quan và nghỉ dưỡng. Con số này tăng 170,5% so với năm 2022, trong đó khoảng 2,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,1 lần. Doanh thu du lịch toàn tỉnh đạt 31.778 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2022. Trên đà tăng trưởng đó, Khánh Hòa đưa ra mục tiêu năm 2024 phấn đấu đón 9 triệu lượt khách, trong đó 3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu đạt hơn 40.000 tỷ đồng. Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa đã đón khoảng 2,1 triệu lượt khách lưu trú, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ ăm 2023.
Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển mang tính bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thế mạnh cho du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu không chỉ với du khách trong nước mà còn với bạn bè quốc tế, thì việc tiếp tục quảng bá thương hiệu của điểm đến này là việc làm cần tiến hành thường xuyên, hiệu quả hơn.
Bên cạnh những lễ hội truyền thống của địa phương như: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Yến sào… được tổ chức hằng năm, Khánh Hòa đã duy trì ổn định và luôn tạo được nét mới mẻ hơn trong việc tổ chức Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa trong hơn 20 năm qua, với định kỳ 2 năm diễn ra một lần. Khánh Hòa còn là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa quốc tế, quốc gia, như các cuộc thi hoa hậu, Lễ trao giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam (đã tổ chức hai năm liên tiếp 2022 – 2023 và dự kiến tổ chức thường niên), các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế…
Hiện nay, ngành du lịch Khánh Hòa xác định thị trường khách du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực trong việc phục hồi du lịch địa phương sau dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng dần mở rộng ra những thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm qua việc triển khai nhiều hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, kích cầu thu hút khách du lịch một cách sâu rộng, đa dạng, cụ thể như: Tham gia xúc tiến quảng bá tại các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch lớn trong nước và quốc tế như: Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ, Hội thảo phát triển đường bay Châu Á – Routes Asia 2023 tại Thái Lan, Lễ hội Văn hóa – Du lịch Hà Nội 2023, Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh – ITE 2023, các hội chợ du lịch trực tuyến trong và ngoài nước...
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết: Giai đoạn 2022 – 2025, Khánh Hoà tích cực tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá du lịch Nha Trang – Khánh Hoà ở nước ngoài. Riêng trong năm 2023, Khánh Hòa đã tổ chức giới thiệu, quảng bá về du lịch của tỉnh tại các thành phố Thành Đô và Thượng Hải (Trung Quốc); Tổ chức chương trình khảo sát, tìm hiểu, kết nối hợp tác du lịch giữa Khánh Hoà với thành phố Lorient – Pháp; xúc tiến tìm hiểu thị trường Bắc Australia, Kazakhstan và Kyrgyzstan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Trong nước, Khánh Hòa cũng đã liên kết du lịch với các địa phương: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh… để tạo nên sự kết nối nhiều điểm đến cho du khách.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Nga, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Xây dựng và quảng bá thương hiệu được xem là vấn đề trọng tâm để mở rộng, tiếp cận, thu hút du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Thương hiệu điểm đến tốt không chỉ tạo niềm tin, ấn tượng, thiện cảm cho du khách mà còn góp phần tạo động lực để du khách quyết định lựa chọn chuyến đi du lịch. Tuy nhiên, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trong nhiều năm qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có, có lúc bị động và phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Nha Trang - Khánh Hòa còn hạn chế, chưa thực sự bứt phá trong khu vực và phạm vi toàn cầu.
Đối với Nha Trang, thủ phủ du lịch của Khánh Hòa, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cũng thừa nhận: Sự phát triển của Nha Trang chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế có được từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tài nguyên nhân văn đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào mà địa phương đang sở hữu. Hiện thành phố còn không ít vấn đề đặt ra cần giải quyết. Trong đó, vấn đề khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển Nha Trang trở thành trung tâm du lịch với các loại hình dịch vụ du lịch đa dạng, đặc thù, đẳng cấp quốc tế gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của thành phố đang còn có nhiều khó khăn, thách thức.
Tiếp tục bồi đắp thương hiệu
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa trong hiện tại và cả chặng đường phía trước.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Nga, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, gợi ý: Cần phát triển và xây dựng uy tín thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa lên một tầm cao mới để góp phần thu hút các thị trường du lịch trọng điểm và thị trường mới. Cần trưng diện rõ nét thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tại các thị trường quốc tế trọng điểm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, với việc phát huy tối đa các giá trị cốt lõi là du lịch biển, đảo. Cần tạo dựng hình ảnh Khánh Hòa xứng tầm một điểm đến cao cấp, là tâm điểm của thị trường du lịch trong nước và quốc tế nhằm xây dựng uy tín về thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
Mới đây, Khánh Hòa đã mở cuộc thi “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa” nhằm tìm kiếm, lựa chọn mẫu thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch chất lượng, đa dạng về màu sắc, chất liệu phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển du lịch Khánh Hòa trong giai đoạn mới. Cuộc thi đưa ra yêu cầu tác phẩm dự thi phải mang tính đại diện và thể hiện được những nét đặc trưng riêng, tiềm năng của ngành Du lịch Khánh Hòa; đặc biệt nhấn mạnh các thế mạnh của du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng; thể hiện được vai trò bao quát của thương hiệu du lịch Khánh Hòa gắn các không gian điểm đến của 3 vùng trọng điểm Nha Trang - Cam Ranh - Vân Phong.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh việc truyền thông quốc tế nhằm nâng tầm vị thế, uy tín, thương hiệu điểm đến Nha Trang - Khánh Hòa trên bản đồ du lịch quốc tế thông qua các tạp chí, kênh truyền hình hàng đầu như: CNN Travel, TIMEOUT, TIME, Time Square.... Ngoài ra, địa phương cần kết hợp với các tạp chí trong nước và quốc tế đưa tin truyền thông quảng bá với tần suất cao; Tham gia các hội chợ và sự kiện du lịch quốc tế để tăng độ nhận diện về du lịch của thương hiệu Nha Trang - Khánh Hoà trên thế giới, mở ra thêm nhiều cơ hội thu hút nguồn khách quốc tế. Lựa chọn những sự kiện lớn, quan trọng mang tầm quốc tế tổ chức tại Nha Trang - Khánh Hòa để nâng tầm du lịch, tạo sự kiện độc đáo để nâng giá trị thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh cho rằng, Khánh Hoà cần đa dạng các nhóm khách du lịch, song song đó phát triển các sản phẩm mang bản sắc địa phương, mở thêm các loại hình du lịch như sinh thái cộng đồng, kết hợp chăm sóc sức khoẻ, du lịch di sản và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bền vững.
Nói về trung tâm du lịch Nha Trang ở góc độ môi trường, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - Chuyên gia sinh thái biển, Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa “hiến kế”: Đầu tư cho phục hồi sinh thái ở vịnh Nha Trang không chỉ mang lại lợi ích cho bảo tồn thiên nhiên, tạo các khu giải trí ven bờ, dưới nước mà còn là phương thức xây dựng thương hiệu du lịch thu hút khách du lịch đẳng cấp cao. Cùng với phục hồi sinh thái, việc xây dựng các rạn san hô nhân tạo có thể tạo ra các điểm đến và dịch vụ du lịch mới.
Nhưng không chỉ riêng thành phố Nha Trang, phía Tây tỉnh Khánh Hòa toàn là rừng núi, phía Đông đều giáp biển, việc bảo vệ môi trường tự nhiên phải gắn liền với phát triển mới tạo được sự bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên quy mô toàn tỉnh.
Tại một cuộc hội thảo khoa học mới đây nhân kỷ niệm 100 xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói: “Cần nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí, đúng khả năng của Nha Trang – Khánh Hòa trong tiến trình phát triển, xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và sức hấp dẫn, hội tụ tinh hoa thế giới đến Nha Trang – Khánh Hòa sinh sống và làm việc, nhằm góp phần làm đẹp, làm giàu, tăng thêm sức mạnh cho quê hương, đất nước, từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp để Nha Trang – Khánh Hòa vững vàng tiến ra biển lớn”.