Phát triển sản phẩm lưu niệm, góp phần nâng tầm điểm đến

Đối với hoạt động du lịch, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng là một trong những yếu tố quan trọng, tạo dấu ấn cho điểm đến, tăng sức hút, hấp dẫn du khách, đồng thời tạo sự lan tỏa, quảng bá hình ảnh điểm đến.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan và mua sắm tại chợ Bến Thành. Ảnh: TTXVN

Coi trọng phát triển, sáng tạo các sản phẩm lưu niệm được nhiều địa phương quan tâm thực hiện với mong muốn phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân bản địa, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa.

Tạo dấu ấn riêng

Nói về sản phẩm lưu niệm, quà tặng, nhìn từ khía cạnh phát triển, quảng bá du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm lưu niệm là khái niệm rộng, thường được hiểu đơn giản là đồ vật được sử dụng làm quà tặng hay được giữ lại để làm kỷ niệm. Các sản phẩm như mô hình, biểu tượng liên quan đến địa phương, một bức tranh hay đơn giản là những đồ vật có giá trị sử dụng như túi xách, mũ đội, móc khóa, hộp đựng, bình hoa, đều là những sản phẩm lưu niệm, qua đó gửi gắm, truyền tải nhiều thông điệp liên quan đến nét văn hóa đặc trưng, phong tục, tập quán của cư dân sinh sống tại một vùng đất cụ thể.

Mặt khác, sản phẩm lưu niệm còn được xem là mặt hàng xuất khẩu tại chỗ, bởi nó được bán ngay ở trong nước. Khách du lịch quốc tế chọn mua và mang về sau chuyến du lịch, giữ lại làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè, tức là sản phẩm đã được ra khỏi biên giới, là vật dụng gợi nhớ về một hành trình, trải nghiệm. Sản phẩm lưu niệm, quà tặng có ý nghĩa cả về kinh tế và văn hóa tinh thần, giúp tạo việc  làm cho cư dân địa phương, tăng doanh thu cho hoạt động du lịch và tạo dấu ấn riêng, lan tỏa nhiều hơn hình ảnh về điểm đến.    

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoài Thanh, Trường Đại học Tài  nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm lưu niệm thường mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh các giá trị văn hóa. Mỗi sản phẩm thường biểu đạt phong cách sinh hoạt, con người, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, quan niệm về tự nhiên, biểu tượng vùng miền, tín ngưỡng tâm linh… Do đó, sản phẩm lưu niệm chính là những tác phẩm nghệ thuật. Thông qua đó, du khách phần nào thấy được hình ảnh con người, địa phương nói chung và bản sắc văn hóa của con người nơi tạo ra sản phẩm.

Đề cập về các sản phẩm lưu niệm phục vụ phát triển du lịch ở địa phương, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau chia sẻ, đến tham quan Cà Mau, nhiều du khách quan tâm, tìm mua các sản phẩm lưu niệm thể hiện nét văn hóa, đặc trưng của vùng đất có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, có khu dự trữ sinh quyển thế giới với những rừng đước, rừng tràm bạt ngàn. Hiện nay, cùng với gần 80 sản phẩm đặc sản đã được gắn sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), tỉnh còn có nhiều sản phẩm quà tặng, lưu niệm giới thiệu đến du khách như: biểu tượng Cột cờ Mũi Cà Mau, biểu tượng con tàu vươn khơi ở Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau hay hình con cua Cà Mau, con ốc len, cá thòi lòi... được làm từ gỗ.

Với tỉnh Đồng Tháp - vùng đất Sen hồng, nhiều sản phẩm lưu niệm, quà tặng được những người thợ thủ công mỹ nghệ sáng tạo mang đậm bản sắc, gắn với biểu tượng vui “ Bé Sen” độc đáo của tỉnh. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ngô Quang Tuyên, nhằm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch, tỉnh quan tâm, tạo thuận lợi để các cơ sở sản xuất sáng tạo các sản phẩm lưu niệm mang nét riêng của quê hương. Du lịch Đồng Tháp với thông điệp “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” được định hướng phát triển gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp, văn hóa với các sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm và các sản phẩm lưu niệm được phát triển theo các thế mạnh và nét văn hóa đặc trưng của địa phương, khuyến khích sử dụng hoặc kết hợp các chất liệu thủ công truyền thống.

Hiện nay, cùng với những đặc sản đã vang danh khắp nơi như: quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, các sản phẩm từ sen, du lịch Đồng Tháp còn được du khách biết đến với biểu tượng vui ”Bé Sen” được đưa vào hệ thống nhận diện hình ảnh Đồng Tháp cùng những sản phẩm lưu niệm như: hình bé sen xinh xinh làm bằng bông, được biến tấu gắn thêm chiếc nón lá mũ cử nhân hay bé sen thắt khăn rằn, bé sen trong trang phục áo dài hay trái xoài Cao Lãnh làm bằng bông, chiếc mũ in hình bé sen, tranh hoa sen sấy khô, bình nước làm bằng tre có khắc hình bông sen hay chiếc túi đan bằng cỏ bàng, vẽ bông sen.

Gắn với định vị bản sắc điểm đến

Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là rất cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương và cả quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các sản phẩm quà tặng, lưu niệm vẫn còn tình trạng sản phẩm trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về vùng đất, con người. Một số sản phẩm chưa đảm bảo sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ để du khách, nhất là du khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển, bảo quản lâu dài.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, nguyên nhân khiến một số sản phẩm quà tặng, lưu niệm của các làng nghề chưa được nhiều du khách biết tới là do chưa chú trọng sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch; chưa coi trọng việc đảm bảo sở hữu trí tuệ, không giữ được bản quyền, dẫn đến tình trạng nhiều mẫu sản phẩm quà tặng còn bị “nhái” mẫu mã.

 

Chú thích ảnh
Làng hoa kiểng Sa Đéc, Đồng Tháp thu hút khách đến du lịch. Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh sẽ tăng cường tập huấn cho cộng đồng làm du lịch, người dân hiểu rõ hơn đặc trưng của nơi mình đang gắn bó, từ đó thúc đẩy sáng tạo nhiều sản phẩm lưu niệm mang nét văn hóa vùng đất, con người Cà Mau. Thời gian tới, tinh tiếp tục tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo du lịch, qua đó các tác giả có thể chuyển giao hoặc trực tiếp sản xuất các sản phẩm du lịch, lưu niệm, quà tặng phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường nghiên cứu để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, giúp du khách đến địa phương, ngoài trải nghiệm, tham quan các điểm du lịch và tìm mua những đặc sản quan thuộc như tôm khô, mật ong, mắm ba khía, bánh phồng tôm, đũa đước còn biết đến nhiều hơn về những sản phẩm lưu niệm làm từ gỗ đước, gỗ tràm, từ những vật liệu thân thiện với môi trường, gắn với đời sống người dân nơi cực Nam đất nước. Đặc biệt, các đơn vị chức năng của Cà Mau đang hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, quy trình và tổ chức sản xuất thử nghiệm sản phẩm lưu niệm ý nghĩa là lọ chứa tinh chất đất thiêng từ Đất Mũi Cà Mau để trong thời gian tới, du khách đến đây sẽ có thêm vật phẩm lưu niệm mang dấu ấn riêng về vùng đất cực Nam trên đất liền Tổ quốc.

Gợi mở về giải pháp phát triển sản phẩm lưu niệm đối với hoạt động du lịch, nhìn từ Cần Thơ - trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Tăng Tấn Lộc, Trường Đại học Tây Đô và các cộng sự đề xuất, để đa dạng sản phẩm, các cơ sở sản xuất ở địa phương cần tiếp tục quan tâm chọn lọc, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thân thiện môi trường, gần gũi thiên nhiên, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đối với khâu giới thiệu, tiếp thị sản phẩm, các nhân viên bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch, cửa hàng thủ công mỹ nghệ cần được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để giới thiệu đến du khách những câu chuyện liên quan đến sản phẩm, tính độc đáo, thú vị thể hiện qua chất liệu, nơi sản xuất, tài năng sáng tạo của người thợ. Qua đó thể hiện thông điệp, định vị bản sắc văn hóa rõ nét hơn trong từng sản phẩm, góp phần tạo ấn tượng cho du khách khi đến du lịch và lưu giữ những món đồ lưu niệm sau chuyến đi.

Thanh Trà (TTXVN)
Nhà vườn quýt hồng Lai Vung mở cửa đón khách tham quan
Nhà vườn quýt hồng Lai Vung mở cửa đón khách tham quan

Nhiều vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang gần đến ngày thu hoạch. Một số nhà vườn đã mở cửa đón khách tham quan, chụp ảnh, kết hợp phục vụ ăn uống, dã ngoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN