Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài 2: Di sản văn hóa - nguồn lực phát triển

Ninh Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn, là một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ. Đánh thức giá trị của di sản để phát triển một cách bền vững đã tạo động lực để du lịch Ninh Bình cất cánh.

Phát triển du lịch di sản

Chú thích ảnh
Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích trên 12.000 ha, với nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện, xếp hạng, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt gồm Khu Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động. Nơi đây còn có các giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc, gần như còn hoang sơ, nguyên vẹn. Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đến nay, nơi đây đã tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động trực tiếp, 20 nghìn lao động gián tiếp. Du lịch di sản đã làm phong phú thêm sinh kế cho cư dân địa phương.

Với quyết tâm quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, tỉnh thành công với mô hình "Hợp tác công - tư". Sự tham gia của doanh nghiệp trong quản lý di sản đã giúp Ninh Bình trở thành một trong những địa phương có tốc độ phục hồi và tăng trưởng du lịch nhanh.

Đánh thức di sản để phát triển du lịch, Ninh Bình đã có được những bước tiến ngoạn mục, ấn tượng. Thời điểm lập hồ sơ đề cử danh hiệu di sản vào năm 2012, Tràng An chỉ có trên 1 triệu lượt khách. Đến năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh, Tràng An đã thu hút được hơn 7,65 triệu lượt khách. Lượng khách giai đoạn 2010 - 2019 tăng bình quân đạt hơn 12%/năm. Du lịch đang tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế 7 tháng đầu năm 2023 của Ninh Bình. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đón hơn 4,9 triệu lượt khách, gấp 2,3 lần so cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước đạt hơn 4.260 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh khẳng định, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần tạo nên sức hút, hình ảnh, giá trị của du lịch địa phương. Đó là tiền đề để du lịch Ninh Bình bứt phá trong thời gian tới, mang lại những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ phối hợp cùng các cấp, ngành liên quan tiếp tục khai thác yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa địa phương để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, cạnh tranh cao.

Giữ gìn, phát huy di sản

Chú thích ảnh
Cánh đồng sen Nhật tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình phục vụ du khách đến tham quan. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Ninh Bình là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong việc xây dựng bộ quy chế tương đối đầy đủ và toàn diện trên tất cả lĩnh vực để quản lý di sản. Tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã thực sự đi vào cuộc sống.

Ninh Bình đã xây dựng, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch quản lý di sản với mục tiêu bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch, để di sản thực sự là tài sản của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và vì sự phát triển bền vững, toàn diện của cộng đồng. Hằng năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản thế giới; đồng thời có cơ chế, chính sách cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nhờ những lợi ích mà di sản mang lại. Từ đó giúp người dân tự nguyện, tự giác tham gia bảo vệ di sản.

Với mục tiêu sớm trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước, Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là khu danh thắng Tràng An; chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại; xây dựng các sản phẩm du lịch mới, bổ trợ cho sản phẩm du lịch văn hóa - di sản. Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch cũng như sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong phát triển du lịch…

Những tiềm năng, thế mạnh của di sản được phát huy đã đem lại nhiều thay đổi tích cực trong phát triển du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để tiếp tục bảo tồn di sản, bên cạnh việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản, thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục giao các đơn vị liên quan, chủ động rà soát, lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu, điểm dân cư trong vùng đệm, vùng lõi di sản làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý di sản và quy hoạch xây dựng, hình thành khu, điểm du lịch cộng đồng. Đồng thời, tỉnh tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch; có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch…

Bài cuối: Đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa 

Thùy Dung (TTXVN)
Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài cuối: Đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa
Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài cuối: Đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa

Đối với Ninh Bình, thúc đẩy việc xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch được xác định như động lực mới cho tăng trưởng du lịch của tỉnh nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách. Trong đó, khai thác các yếu tố văn hóa được xem là đòn bẩy góp phần thu hút và “níu” chân du khách lâu hơn khi đến địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN