Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài cuối: Đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa

Đối với Ninh Bình, thúc đẩy việc xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch được xác định như động lực mới cho tăng trưởng du lịch của tỉnh nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách. Trong đó, khai thác các yếu tố văn hóa được xem là đòn bẩy góp phần thu hút và “níu” chân du khách lâu hơn khi đến địa phương.

“Thắp sáng” du lịch về đêm

Chú thích ảnh
Phố cổ Hoa Lư. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN

Được phục dựng, mô phỏng và tái hiện lại nét văn hóa, lịch sử nước Đại Việt từ thế kỷ thứ X, Phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình đã hoàn thành giai đoạn I và đưa vào khai thác từ đầu năm 2022. Hiện, Phố cổ Hoa Lư là điểm nhấn để thu hút khách du lịch về đêm tại thành phố Ninh Bình. Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ về đêm nên thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới tham quan. Các hoạt động được lồng ghép khéo léo về lịch sử cũng như khắc họa các hoạt động, sinh hoạt văn hóa của người dân Kinh đô Hoa Lư xưa, kết hợp cùng các hoạt động giải trí, tham quan đã mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm độc đáo.

Đặc biệt, tại đây có nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, như: thêu ren Văn Lâm, đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư); mộc Phúc Lộc (thành phố Ninh Bình); gốm Bồ Bát (huyện Yên Mô)... Ngoài ra còn có sản phẩm của các làng nghề ở những tỉnh thành khác như đúc đồng, sơn mài Ý Yên (Nam Định); Đông Hồ (Bắc Ninh)...

Dù mới đưa vào hoạt động, xong Phố cổ Hoa Lư đã khai thác hiệu quả các yếu tố văn hóa để thu hút du khách. Anh Trần Văn Trường, Ban Quản lý Phố cổ Hoa Lư cho biết, để thu hút du khách buổi tối, đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống (như hát chèo, hát xẩm, chầu văn…) hay các trò chơi dân gian theo chủ đề từng tuần, từng tháng nên luôn tạo nên sự mới mẻ, đa dạng cho du khách trải nghiệm khi đến nơi đây. Phố cổ Hoa Lư có rất nhiều không gian văn hóa, nghệ thuật khác nhau được chia thành nhiều khu vực. Chính vì vậy, một buổi tối đi bộ ở đây, du khách có thể cảm nhận trọn vẹn giá trị tươi đẹp của vùng đất, con người cố đô Hoa Lư xưa cũng như Ninh Bình ngày nay. Từ khi hoạt động đến nay, Phố cổ Hoa Lư đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan vào buổi tối.

Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Để du khách có thêm những trải nghiệm mới, từ cuối năm 2016, tour khám phá chùa Bái Đính về đêm đã chính thức được đưa vào khai thác. Một trong những điểm nhấn thú vị nhất trong hành trình phải kể đến ngôi Bảo tháp thờ Phật cao nhất châu Á, nơi đặt xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ tầng 12 của Bảo tháp, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh ngôi chùa về đêm với vẻ đẹp lung linh, rực rỡ giữa một vùng đồi núi.

Địa bàn tỉnh Ninh Bình còn có nhiều hoạt động, điểm tham quan, giải trí về đêm thu hút khách du lịch như: tour xem động vật hoang dã ban đêm ở Cúc Phương, huyện Nho Quan; "Chuyến xe di sản" ngắm thành phố Ninh Bình về đêm... Tỉnh đang tiếp tục xây dựng đa dạng, phong phú các sản phẩm giải trí về đêm và khai thác giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế ban đêm, góp phần cải thiện điểm yếu của du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Chú thích ảnh
Hàng nghìn, hàng vạn con cò bay lượn trên Đầm Vân Long. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Theo định hướng phát triển, về du lịch sinh thái, Ninh Bình tập trung vào Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương; đối với loại hình du lịch văn hóa chú trọng các điểm khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, du lịch tâm linh Bái Đính… Tỉnh còn phát triển thêm các loại hình du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao như chơi golf, leo núi; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo; du lịch làng nghề…

Ninh Bình đã xây dựng các giải pháp trọng tâm mang tính đột phá. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch; có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới và khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Cùng với đó, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu lớn đầu tư các khu dịch vụ du lịch, trung tâm mua sắm, giải trí. Trước mắt, Ninh Bình tập trung triển khai, hoàn thành một số dự án du lịch lớn như Công viên văn hóa Tràng An, Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình cùng các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, Sở đang khảo sát xây dựng và phát triển mô hình Du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngành Du lịch sẽ phối hợp với các ngành liên quan tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển du lịch kết hợp hội thảo, du lịch thể thao…

Chú thích ảnh
Vườn chim Thung Nham thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh thu hút được 8 triệu lượt du khách, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP, tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên. Đến năm 2030, tỉnh thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP, tạo việc làm cho 43.700 lao động.

Xác định văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững, tỉnh Ninh Bình đã khai thác hiệu quả văn hóa để phát triển du lịch. Tỉnh đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa, song vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế để du lịch phát triển. Thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục tập trung xây dựng, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế./.(Hết)

Thùy Dung (TTXVN)
Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài 2: Di sản văn hóa - nguồn lực phát triển
Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài 2: Di sản văn hóa - nguồn lực phát triển

Ninh Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn, là một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ. Đánh thức giá trị của di sản để phát triển một cách bền vững đã tạo động lực để du lịch Ninh Bình cất cánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN