Đặc biệt, sau giai đoạn dịch COVID-19, loại hình du lịch này được đánh giá có nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ hơn. Nhìn nhận lại về thế mạnh, đề ra giải pháp cần thiết phát triển loại hình du lịch nhiều tiềm năng, góp phần tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch, tăng sức hút với du khách là nội dung hai bài viết phóng viên TTXVN sẽ đề cập dưới đây.
Bài 1: Dư địa lớn
Du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch có sự kết hợp nhằm mang lại sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cho du khách. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thành công của sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe là tạo sự thư giãn, nguồn năng lượng tích cực, giúp du khách có khoảng thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau những ngày làm việc căng thẳng, mang đến lối sống lành mạnh, cân bằng cảm xúc cho khách du lịch trong suốt hành trình.
Phong phú tiềm năng
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Bờ biển dài khoảng 3.260 km, nhiều bãi tắm đẹp, trải dài từ Bắc vào Nam như Trà Cổ, Hạ Long, Cát Bà, Cửa Lò, Lăng Cô, Nha Trang, Mũi Né, Long Hải, Vũng Tàu, Phú Quốc rất thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng. Vùng ven biển nước ta còn có nhiều hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, nhiều bãi biển nhỏ, tĩnh lặng, rất phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh.
Việt Nam có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú, có giá trị sử dụng trong chữa bệnh, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Ngành địa chất phát hiện được khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, trong đó, có nhiều nguồn, loại vừa có tác dụng chữa bệnh vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ đời sống. Chưa hết, chúng ta còn có hệ thống cây dược liệu đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, trên 400 loài động vật được sử dụng làm thuốc với nhiều chế phẩm thuốc y học cổ truyền, kết hợp chế biến thành đặc sản ẩm thực trong lành, bổ dưỡng. Ngoài ra, ở Việt Nam, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, những ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện với cảnh quan phù hợp có thể khai thác phát triển du lịch nói chung và du lịch gắn với các hoạt động như thiền, yoga...
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhìn nhận về tiềm năng phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, Thạc sĩ Nguyễn Phước Hưng (Trường Đại học Bạc Liêu) phân tích, xét từ góc độ khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long mang đặc trưng khí hậu cận xích đạo gió mùa ẩm, bức xạ mặt trời lớn, số giờ nắng nhiều, nhiệt độ trung bình cao, biên độ nhiệt thấp và lượng mưa khá dồi dào. Đây là những lợi thế phát triển du lịch tham quan và nghỉ dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Vùng ven biển ở khu vực này nhiệt độ trung bình không chênh lệch nhau nhiều. Nhiệt độ trung bình khá cao từ 27,5-27,8 độ C, thuận lợi cho nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe.
Từ thực tế Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp trù phú, có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với sản phẩm nông nghiệp. Đề cập về lợi thế của một địa phương cụ thể, Thạc sĩ Dương Trường Phúc (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Đồng Tháp là một trong những địa phương có dư địa rất lớn trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với loại cây trồng đặt thù ở địa phương là hoa sen.
Cảnh quan đẹp, không gian yên tĩnh, trong lành đem lại sự thư giãn cho du khách. Nhiều khu du lịch ở Đồng Tháp gắn với hình ảnh hoa sen rất phù hợp để tổ chức hoạt động nghỉ dưỡng, tái tạo năng lượng trong không gian xanh mát; giới thiệu du khách thưởng thức món ăn giàu dinh dưỡng, được chế biến từ sen, giúp giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng cho thực khách.
Hình thành nhiều sản phẩm hấp dẫn
Thời gian qua, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh địa phương, nhiều sản phẩm thuộc loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng được xây dựng, hoàn thiện, phục vụ du khách.
Nhiều chuyên gia đánh giá, về hiện trạng phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, có thể nói, chúng ta đã có bước phát triển nhất định với da dạng sản phẩm ở các địa phương. Các bãi tắm biển, nguồn suối nước khoáng nóng cùng dịch vụ tắm bùn, xông hơi, massage hay sản phẩm y học cổ truyền, tham quan vườn trồng cây thuốc, nơi bào chế thuốc và thưởng thức đặc sản ẩm thực được chế biến với sự kết hợp của nhiều loại dược liệu mang lại cho sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương nét hấp dẫn từ tài nguyên du lịch đặc thù.
Tỉnh Long An - vùng đất Đồng Tháp Mười những năm gần đây được du khách trong và ngoài nước biết đến với nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí đặc sắc. Một trong những điểm nhấn trong sản phẩm du lịch của địa phương này là du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giới thiệu đến du khách sản phẩm thảo dược tự nhiên của vùng ngập nước Đồng Tháp Mười tại Khu du lịch Cánh đồng bất tận (huyện Mộc Hóa).
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Long An, Khu du lịch Cánh đồng bất tận do Công ty Cổ phần Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đầu tư đang khai thác dịch vụ tham quan, du lịch, chăm sóc sức khỏe và sản xuất sản phẩm dược để quảng bá, giới thiệu tới du khách, trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đặc trưng của tỉnh nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Với ưu thế sản phẩm du lịch hình thành tại khu rừng dược liệu của vùng Đồng Tháp Mười, du khách đến đây như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực, tăng cường sức khỏe từ nhiều hoạt động như: tham quan rừng dược liệu - nơi bảo tồn hơn 90 loại gen quy hiếm của các loại thảo mộc làm thuốc, thăm Nhà máy dược liệu Mộc Hoa Tràm, xem cách chưng cất tinh dầu tràm gió, thưởng thức món ăn, nước uống chế biến từ sự kết hợp của nhiều loại dược liệu.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười Dương Văn Toản cho biết, tất cả sản phẩm du lịch ở đây chủ yếu tận dụng từ lợi thế thiên nhiên, với định hướng nhất quán là mang lại cho du khách cảm giác thư giãn, nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần. Trung tâm đang kết hợp với các công ty lữ hành ở Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thêm sản phẩm du lịch phù hợp phục vụ du khách, trong đó chú trọng sản phẩm du lịch an toàn, chăm sóc sức khỏe với món ăn, bài thuốc từ cây dược liệu sẵn có trong rừng thuốc, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm dược liệu như tinh dầu, xông phòng khử khuẩn, sát khuẩn không khí.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo ở các thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa, hai huyện Côn Đảo, Long Điền hay nguồn nước suối nóng Bình Châu ở huyện Xuyên Mộc.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, địa phương nổi tiếng với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao biển, du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị với hơn 300km đường biển có bãi cát thoai thoải, cảnh quan hấp dẫn. Thành phố Vũng Tàu có số giờ nắng trung bình lên tới 2.000 - 2.600 giờ/năm, nhiệt độ trung bình ổn định ở mức 27 độ C, lượng mưa trung bình hàng năm thấp, độ ẩm khá đồng đều, đang trở thành đô thị du lịch, có nhiều sản phẩm trải nghiệm, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe được du khách lựa chọn.
Trên địa bàn tỉnh còn có cụm du lịch Bình Châu - Hồ Tràm - Hồ Linh với khu rừng rộng và dài, khoảng 43km sông, suối lớn nhỏ chảy quanh năm, có rừng nguyên sinh, suối nước nóng nhiệt độ từ 37 độ C đến 80 độ C, có tác dụng chữa bệnh, hồi phục sức khỏe. Hoặc cụm du lịch Côn Đảo, hội tụ nhiều cảnh quan hùng vĩ và thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh vật đa dạng, khí hậu hài hòa, những hòn đảo nhỏ với khung cảnh hoang sơ, rừng nguyên sinh Côn Đảo, bãi Suối Nóng có những đoạn trên 50 độ C, phù hợp với du khách ưa thích loại hình du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe, tái tạo năng lượng.
Bài 2: Tăng sức hút với du khách