Đầu tư bài bản cho sản phẩm
BR -VT có vị trí địa lý khá thuận lợi khi giáp ranh các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận… Cùng với đó, với đường bờ biển kéo dài hơn 300 km, BR-VT rất thích hợp phát triển hàng loạt dự án du lịch, các resort cao cấp kết hợp các loại hình du lịch thể thao để thu thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng.
Hiện nay, với dự án sân bay Long Thành đang được triển khai, khi đi vào hoạt động với công suất 25 triệu khách quốc tế mỗi năm, BR-VT chắc chắn sẽ hút trọn lượng du khách cao cấp cực lớn từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Đây là những điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để BR-VT phát triển du lịch chất lượng cao, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp...
Theo TS. Sử Ngọc Khương, thành viên Hội đồng Khoa học, Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, với những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng như trên và tiềm năng du lịch sẵn có, tỉnh BR-VT đang sở hữu đầy đủ những thế mạnh để phát triển bứt phá về du lịch, đặc biệt là dòng du lịch cao cấp. Hiện nay, thành phố biển Vũng Tàu cũng đang trở thành điểm đến của các gia đình trẻ trong và ngoài nước với mong muốn sở hữu ngôi nhà thứ hai ở nơi có biển, thiên nhiên trong lành, tốt cho sức khoẻ nên các dự án bất động sản du lịch cao cấp ở đây cũng thu hút rất nhiều nhà đầu tư.
Chia sẻ về tiềm năng của ngành du lịch tỉnh BR-VT, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch BR-VT cho biết, xác định du lịch là một trong những trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đầu năm 2017, tỉnh BR-VT quyết định tái thành lập Sở Du lịch. Cũng trong năm 2017, Tỉnh ủy BR-VT ban hành nghị quyết về phát triển du lịch chất lượng cao với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, khác biệt; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện...
Theo đó, tỉnh đang thu hút khá nhiều các nhà đầu tư vào du lịch cao cấp với hệ thống nhà hàng, khách sạn chuẩn quốc tế 5 sao… Theo thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh BR-VT, toàn tỉnh hiện có 132 dự án du lịch đang triển khai với tổng diện tích 2.973 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 42 nghìn tỷ đồng và hơn 9,1 tỷ USD. Các dự án phân bố chủ yếu trên tuyến ven biển Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo. Trong đó, nhiều resort, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao hoạt động hiệu quả như: The Grand Hồ Tràm resort & casino, Sanctuary Hồ Tràm, Sixsenses Côn Đảo, Marina Bay Vũng Tàu...
Là đơn vị du lịch đang khai thác dòng khách du lịch cao cấp, ông Đỗ Minh Đức, chủ đầu tư Dự án Marina Bay Vũng Tàu cho biết, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo không gian phát triển và thu hút đầu tư vào du lịch cao cấp của BR-VT được tỉnh quan tâm, đầu tư bài bản từ chất lượng đến dịch vụ, nguồn nhân lực đều phải đạt chuẩn 4-5 sao… Đối với doanh nghiệp, nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương, các dự án du lịch cao cấp của đơn vị được đưa vào khai thác sớm nên nhanh chóng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Lượng khách đến với đơn vị tăng cao nhất, thậm chí “quá tải” vào các ngày cuối tuần và mùa du lịch hè, du lịch cuối năm... Các sản phẩm du lịch cao cấp của đơn vị được khách quốc tế chọn nhiều là: tour du lịch MICE, tour nghỉ dưỡng tránh dịch, tour trú đông cho khách châu Âu...
Tháo gỡ khó khăn về đào tạo, chính sách
Ông Trịnh Hàng cho biết, mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cao cấp nhưng ngành du lịch tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn về chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... Vì vậy, Sở Du lịch cũng đã tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng; tháo gỡ khó khăn về việc phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; đổi mới phương thức tuyên truyền, quảng bá, liên kết, xúc tiến du lịch... Đối với các dự án du lịch cao cấp đang bị vướng về thủ tục hành chính, Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xử lý để các dự án sớm được triển khai, đối với các dự án chậm triển khai Sở cũng tham mưu UBND tỉnh kiên quyết thu hồi để giao cho nhà đầu tư có năng lực…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, muốn phát triển du lịch cao cấp thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh nhân lực du lịch đang dịch chuyển ồ ạt sang những ngành nghề khác sau 2 năm du lịch “đóng băng” vì dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch BR- VT đang rơi vào cảnh thiếu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch đang bị thiếu hụt, các trường đào tạo tại BR- VT cũng đã tập trung liên kết với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp... và tránh lãng phí trong đào tạo.
Ông Nguyễn Trung Nam, Chủ tịch Tập đoàn Imperial cho biết, Trường Cao đẳng nghề Khách sạn du lịch quốc tế Imperial được tổ chức hoạt động theo mô hình tiêu chuẩn Hotel School (trường học trong khách sạn) và liên kết với các tập đoàn hàng đầu thế giới về đào tạo chuyên ngành khách sạn, quản lý khách sạn để cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành du lịch quốc tế. Theo đó, học viên được đào tạo theo các chương trình tiên tiến trên thế giới dưới sự giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh của các chuyên gia trong và ngoài nước đầy kinh nghiệm, được thực hành ngay tại khách sạn 5 sao Imperial. Sau khi ra trường, 100% học viên của Trường Imperial đều được nhận vào làm việc ngay tại các cơ sở của Tập đoàn Imperial và những khách sạn cao cấp 4 - 5 sao ở trong nước và nước ngoài.
Từ thực tiễn chuyên nhận đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Nam cho biết, tỉnh BR-VT muốn giải bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao để phát triển du lịch cao cấp, trước tiên các trường đào tạo cần nâng thời lượng kỹ năng thực hành trong đào tạo về du lịch. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo nhân lực du lịch theo chuẩn quốc tế; cho phép thí điểm cho các trường cao đẳng nghề về du lịch liên kết với các tổ chức nước ngoài đào tạo chuyển tiếp bậc đại học năm cuối ngành quản trị du lịch, khách sạn tại Việt Nam...
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh BR- VT, địa phương cũng đang tập trung đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao. Trong đó, tập trung giải pháp chủ động mời gọi nhà đầu tư có đẳng cấp, đủ năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển các dự án du lịch lớn tại một số địa điểm như: Khu du lịch Núi Dinh (thị xã Phú Mỹ), vườn thú hoang dã Safari (huyện Xuyên Mộc), khu Paradise, dự án Atlantis, khu Mũi Nghinh Phong, khu Bãi Trước, khu Bàu Trũng (thành phố Vũng Tàu), các dự án tuyến du lịch ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Xuyên Mộc và khu du lịch quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo)…
"Với quyết tâm phát triển du lịch chất lượng cao để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, sắp tới tỉnh BR-VT cũng sẽ tập trung giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai các dự án du lịch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo không gian khai thác tối đa tuyến ven biển và khu vực phụ cận để phát triển các loại hình du lịch biển cao cấp như: lặn biển, câu cá, ngắm san hô, nghỉ dưỡng...; đầu tư cho công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, để du lịch thật sự trở thành 1 trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của địa phương", ông Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm.
Có thể nói, sản phẩm du lịch chất lượng cao là chuỗi dịch vụ liên hoàn cung ứng cho du khách từ khi họ đến cho đến khi đi gồm: vận chuyển, lưu trú, ăn uống, các hoạt động mang tính trải nghiệm, cảm nhận con người, vùng đất… Tham gia cung ứng cho chuỗi dịch vụ không chỉ có ngành du lịch BR-VT mà còn cần sự tham gia của nhiều ngành nghề, tổ chức xã hội khác như: giao thông, vận tải, thương mại, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cộng đồng dân cư… của tỉnh.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh BR-VT cần đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các ngành, tổ chức xã hội, nghề nghiệp liên quan để góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín cho ngành du lịch BR-VT và phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp của tỉnh nhà.