Tại buổi lễ, ông Vũ Ngọc Đăng - Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đây chỉ là bước đầu, công cuộc xây dựng và phát triển làng nghề... Để ngành nghề truyền thống tiếp tục được giữ vững và phát triển, thời gian tới, ông Vũ Ngọc Đăng đề nghị UBND huyện Long Điền và UBND xã An Ngãi tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, địa phương cần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, sử dụng và làm tốt khâu duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất hiện có, phương tiện phục vụ cho quá trình sản xuất của làng nghề; tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống.
Cùng với việc chú trọng bảo tồn các nghề truyền thống và sản phẩm mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo cần khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất mà không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản xuất; thúc đẩy sản xuất, chế biến sản phẩm để xây dựng các mô hình, dự án kết hợp với du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP.
Đồng thời, mở rộng quy mô sản xuất, quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, quảng bá sản phẩm, thông qua xúc tiến thương mại mở rộng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế thông qua website, sàn giao dịch thương mại điện tử, hội chợ triển lãm; duy trì, thu hút thêm số lao động tham gia, đảm bảo doanh thu và thu nhập cho người lao động…
Bánh tráng An Ngãi là 1 trong 6 nghề đã được UBND Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận là nghề truyền thống. Làng nghề truyền thống An Ngãi có trên 50 năm hình thành và phát triển. Đến nay toàn xã có 128 hộ với 256 người tham gia làm nghề bánh tráng (chiếm 58,72% tổng số hoạt động ngành nghề nông thôn toàn xã), phân bố rải rác trên địa bàn 5 ấp gồm: An Hòa, An Bình, An Phước, An Lộc và An Thạnh.
Năm 2013, nghề làm bánh tráng xã An Ngãi đã được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống theo Quyết định 1215/QĐ-UBND. Từ năm 2013 tới nay, nghề làm bánh tráng của xã An Ngãi đã từng bước nâng cao chất lượng và ổn định thị trường, đa dạng các sản phẩm như bánh tráng nem cỡ nhỏ, cỡ lớn, bánh tráng ớt… Thu nhập bình quân mỗi hộ từ 9-12 triệu đồng/tháng.
Việc triển khai dự án phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi đã tạo điều kiện để người làm nghề bánh tráng tại địa phương tiếp cận với công nghệ, máy móc và trang thiết bị hỗ trợ như máy xay bột, lò tráng điện… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và sức lao động; đồng thời, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng về cả số lượng lẫn chất lượng sản phẩm.
Tại lễ công bố, UBND huyện Long Điền đã trao tặng 6 giấy khen; UBND xã An Ngãi đã trao tặng 4 giấy khen cho các hộ dân vì đã có thành tích xuất sắc trong việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An ngãi.