Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, các tỉnh Tây Bắc đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng với nhiều cách làm sáng tạo, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Bản Lác, thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) được hình thành hơn cách đây hơn 700 năm, đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan. Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN |
Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến với Tây Bắc chưa tương xứng với những lợi thế mà Tây Bắc sở hữu. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn yếu kém, sản phẩm du lịch chưa thực sự đặc sắc, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch chưa hiệu quả; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; bản sắc văn hóa đang dần bị mai một, môi trường bị ảnh hưởng bởi hoạt động du lịch...
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận tập trung đến vấn đề phát triển du lịch cộng đồng như: Định hướng phát triển du lịch cộng đồng Tây Bắc theo quy chuẩn chung của cộng đồng ASEAN; bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch cộng đồng; bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch cộng đồng; giải pháp phát triển du lịch cộng đồng; phương pháp tiếp cận đưa vào thị trường và vấn đề xác định đối tượng của du lịch cộng đồng…
Các tham luận cũng đánh giá thực trạng phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc; trang phục, không gian văn hóa, nơi ăn, nghỉ… Đây là những vấn đề cần quan tâm đầu tư để các địa phương gìn giữ nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng khu vực Tây Bắc.