Nghề du lịch khi gia nhập AEC: Nước đến chân vẫn chưa nhảy

Cuối năm 2015, theo lộ trình, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với ba lĩnh vực lớn là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và lao động. Trong đó, các nước đã ký Hiệp định công nhận lẫn nhau với 8 nghề (kế toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sĩ, y tế, điều tra viên, du lịch). Theo đó, nghề du lịch được đánh giá có tác động nhiều nhất.


Chế biến món ăn sẽ là nghề được công nhận lẫn nhau trong các nước Asean vào cuối năm 2015. Ảnh: Đình Trân – TTXVN

Vẫn ngóng khung trình độ quốc gia

Theo ông Trần Phú Cường, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Du lịch): Có 6 ngành nghề trong lĩnh vực du lịch được công nhận vào cuối năm 2015 khi gia nhập AEC là: Buồng, lễ tân, nhà hàng, chế biến món ăn, đại lý lữ hành và điều hành tour.

Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng 6 ngành nghề này chiếm số lượng lớn trong số 1,4 triệu lao động của lĩnh vực du lịch. Trong năm tiếp theo, các ngành nghề khác trong lĩnh vực du lịch sẽ được công nhận.

Chỉ có riêng lĩnh vực Hướng dẫn viên (HDV) tạm thời chưa được các nước trong khối ASEAN đề cập đến, với lý do nghề này có đặc thù là giới thiệu thông tin của từng nước, giữ bản sắc văn hóa, nên cần người sở tại.

“Các nước đã thống nhất riêng nghề HDV quá trình công nhận lẫn nhau cần có lộ trình. Cơ quan quản lý Việt Nam cũng đã lưu tâm đến vấn đề này, trong đó có lưu ý tới việc sửa Luật Du lịch trong thời gian tới”, ông Trần Phú Cường cho biết.

Việc thừa nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN, trong đó có nghề du lịch, vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối ngành du lịch Việt Nam. Theo phản ánh của các trường đào tạo lĩnh vực du lịch, việc chưa có khung trình độ quốc gia với ngành nghề du lịch đang gây khó khăn cho trường trong việc thiết kế nội dung.

“Việc gia nhập AEC vừa là cơ hội vừa là thách thức với nghề du lịch. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội hơn trong việc lựa chọn nhân sự nước ngoài, nhưng đồng thời các lao động Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Do đó, cơ quan chức năng phải sớm gấp rút có bộ tiêu chuẩn thuộc Khung trình độ quốc gia để các doanh nghiệp tham chiếu đào tạo nhân lực trong nước phù hợp tiêu chuẩn chung, trong đó đặc biệt lưu ý đến trình độ ngoại ngữ và kỹ năng làm việc theo nhóm”, bà Trương Thị Minh Hương, Phó giám đốc Saigontourist Hà Nội chia sẻ.



Khung trình độ quốc gia sẽ quy định tiêu chuẩn đào tạo từng nghề, trong đó có tham chiếu tương thích với Bộ tiêu chuẩn nghề Asean. Tuy nhiên, đến nay các trường vẫn tự mày mò theo khung trình độ sẵn có từ trước. Hiện nay có tới 3 bộ tiêu chuẩn trình độ nghề các trường có thể tham khảo là chương trình VTOS dự án EU (10 nghề), chương trình Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (8 nghề) và tiêu chuẩn nghề tham khảo nước ASEAN do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH).

“Việc công nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã được ký cách đây vào năm 2009 và lẽ ra bộ tiêu chuẩn nghề theo Khung trình độ quốc gia phải có từ năm 2013 để lứa đào tạo ra trường tới đây có thể hội nhập ngay khi AEC có hiệu lực cuối năm nay. Chứ như hiện nay, chỉ còn hơn tháng nữa là AEC có hiệu lực, vậy mà các trường vẫn đang ngóng Khung trình độ quốc gia”, đại diện trường Cao đẳng nghề du lịch Hà Nội bức xúc.

Bà Nguyễn Hoài Thu, đại diện trường Đại học Dân lập Phương Đông cho biết: “Hiện nay chương trình học các trường Việt Nam, đang thiết kế theo nội dung, trong khi bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN thiết kế theo năng lực. Do đó, việc chưa có bộ tiêu chuẩn nghề theo Khung trình độ quốc gia khiến chúng tôi rất loay hoay để thiết kế dung lượng tiết học cho phù hợp”.

Vừa chạy vừa xếp hàng

Theo các chuyên gia về lao động, Việt Nam là nước chậm nhất trong khối ASEAN khi chưa thông quan Khung trình độ quốc gia. Thừa nhận sự chậm trễ này, ông Lê Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết: Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, với trình độ cao đẳng, trung cấp, tiêu chuẩn nghề theo Khung trình độ quốc gia sẽ do Bộ LĐTBXH thông qua.

Thực tế hiện nay các trường do Bộ VHTTDL quản lý đang áp dụng bộ tiêu chuẩn cũ do Bộ ban hành. Tuy nhiên theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, tiêu chuẩn đào tạo phụ thuộc vào các trường, điều đó đồng nghĩa với việc các trường tự xây dựng tiêu chuẩn dạy nghề trên cơ sở đầu ra và tham chiếu khung trình độ nghề ASEAN. Điều này có nghĩa là các trường vừa chạy vừa xếp hàng.

Theo ông Trương Nam Thắng, chuyên gia dự án EU, tiêu chuẩn VTOS do dự án EU hỗ trợ đã xây dựng 10 tiêu chuẩn nghề cách đây 3 - 4 năm, tham khảo khung trình độ châu Âu và có chỉnh sửa phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hiện có 2 nghề buồng và lễ tân được Bộ VHTTDL lựa chọn gửi Ban thư ký nghề ASEAN cộng nhận, còn các nghề khác đang đợi Bộ LĐTBXH thẩm định. Tuy nhiên, tham chiếu với các khung trình độ nghề ASEAN thì tiêu chuẩn VTOS ở mức trình độ cao hơn, nên với các trường đã triển khai chương trình này sẽ thuận lợi khi áp dụng theo chuẩn ASEAN.

“Do việc tồn tại 3 bộ tiêu chuẩn đã gây khó khăn cho các trường và doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực. Hiện 14 trường thuộc Bộ VHTTDL đã áp dụng tiêu chuẩn VTOS dung hòa chương trình giảng dạy giữa VTOS và bộ tiêu chuẩn ASEAN để đáp ứng quá trình hội nhập cộng đồng AEC. Tuy nhiên, các lao động cũng nên tự trang bị kiến thức để thích ứng tốt với việc dịch chuyển lao động khi gia nhập AEC. Theo đó cần nâng cao kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc chuyên nghiệp”, ông Trần Phú Cường cho biết.

Xuân Cường
Hà Nội tạo đột phá trong phát triển du lịch
Hà Nội tạo đột phá trong phát triển du lịch

Thăng Long - Hà Nội có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, với nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhiều di tích lịch sử, làng nghề, lễ hội, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN