Nâng cao vị thế, hình ảnh Quảng Nam an toàn và thân thiện

Sau hai năm đình trệ vì dịch COVID-19, du lịch Quảng Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của sự phục hồi sâu sắc và toàn diện.

Đặc biệt, năm nay, Quảng Nam được chọn làm đơn vị đăng cai lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022. Vì vậy ngay từ đầu năm, hàng loạt sản phẩm du lịch, điểm đến và dịch vụ vận chuyển, lưu trú đã được đầu tư nâng cấp để phục vụ du khách một cách tốt nhất. Qua đó tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung; vùng đất, con người, du lịch Quảng Nam nói riêng đối với du khách trong nước và quốc tế.

Làm mới sản phẩm và chất lượng dịch vụ

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Mukha Linga nguyên bản được bảo quản tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, trung bình mỗi ngày cao điểm, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, thu hút trên 3.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Để đón khách trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và thích ứng với trạng thái bình thường mới, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã cơ bản hoàn thiện việc trùng tu, nâng cấp đền A1, các tháp A12, A13 thuộc nhóm tháp A; sắp xếp hoàn chỉnh đài thờ A10 với Linga - Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa. Đài thờ Mỹ Sơn A10 đã được công nhận bảo vật quốc gia vào cuối năm 2021 và hàng loạt các sản phẩm nghệ thuật, tiêu biểu là “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” đã được dàn dựng công phu với hàm lượng văn hóa nghệ thuật cao, được kỳ vọng là điểm thu hút lớn lượng khách du lịch trong năm 2022.
          
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ nhấn mạnh: “Để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2022, ngay từ cuối năm 2021, sau khi tổ chức thành công việc đón thí điểm các đoàn khách quốc tế trở lại Việt Nam, Di sản Mỹ Sơn đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình nghệ thuật, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương châm linh hoạt, an toàn và hiệu quả. Chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” được đầu tư kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ là sản phẩm mới và độc đáo thu hút lượng lớn du khách, nhất là khách quốc tế”.

Chú thích ảnh
Mỗi ngày có khoảng 10 đoàn khách đến tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. 

Tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, anh Nguyễn Văn Phước, du khách đến từ tỉnh Bình Định chia sẻ: “Dịch COVID- 19 đã cơ bản được khống chế là điều kiện tốt để tất cả các hoạt động kinh tế và du lịch hoạt động trở lại bình thường. Đến Mỹ Sơn lần này chúng tôi nhận thấy cơ sở vật chất, cung cách phục vụ, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể. Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn chắc chắn sẽ lấy lại vị thế của mình với tư cách là một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế”.
       
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh: Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, Khu du lịch đã và đang xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới đồng thời liên kết với các đối tác để làm thêm các dịch vụ, tổ chức các sự kiện. Đặc biệt, Khu du lịch mở rộng các dịch vụ trải nghiệm tự nhiên trong khu vực rừng và hồ Phú Ninh; tổ chức các sự kiện thể thao.
      
“Dịch COVID-19 được khống chế là điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch, song muốn du lịch phát triển thì cộng đồng làm du lịch phải đẩy mạnh liên kết và không ngừng làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm”, Phó Giám đốc Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.

Liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch

Chú thích ảnh
Các nhóm tháp trong quần thể nhóm tháp A đã sẵn sàng phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. 

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết: Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 được xác định là sự kiện mở đầu trong chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên, sản phẩm du lịch, thúc đẩy, phục hồi, phát triển ngành du lịch của cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Đây còn là dịp để thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố có tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Qua đó tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung; vùng đất, con người, du lịch Quảng Nam nói riêng đối với du khách trong nước và quốc tế.
       
Ngành Du lịch Quảng Nam đã và đang chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân lực và dịch vụ, làm hết sức mình để truyền đi thông điệp về một Quảng Nam an toàn và thân thiện nhằm đón du khách khi du lịch được mở cửa hoàng toàn trong tương lai không xa, đồng thời làm tốt vai trò là đơn vị đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, dịch COVID-19 đã làm cho du lịch Hội An tê liệt suốt 2 năm qua. Hiện tại Hội An đang khôi phục mạnh mẽ các hoạt động du lịch. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố, các doanh nghiệp, các hãng lữ hành của Hội An đang tích cực xúc tiến chương trình liên kết, hợp tác giữa các điểm đến, các địa phương trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước như Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Liên kết và chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp du lịch, giữa các điểm đến, các địa phương là chìa khóa để mở cánh cửa du lịch đi vào chiều sâu và bền vững.

Chú thích ảnh
Các nhóm tháp trong quần thể nhóm tháp A đã sẵn sàng phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. 

Ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy việc chọn Quảng Nam là địa phương đăng cai chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 là niềm vui không chỉ riêng với thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam mà còn có sức lan tỏa tới các trung tâm du lịch lớn trong khu vực. Thành phố Hội An sẽ tận dụng cơ hội này để mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm truyền đi thông điệp về một Hội An hiền hòa, an toàn, thân thiện và mến khách nhằm tạo ra nguồn cản hứng để thu hút du khách.

Cùng với các Di sản Văn hóa thế giới Hội An, phố cổ Hội An; các điểm thu hút khách du lịch lớn của tỉnh Quảng Nam như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh; các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch vùng sâu trong đất liền gắn với chiều sâu văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đang được nâng cấp về chất lượng sản phẩm và dịch vụ phụ trợ để sẵn sàng đón tiếp du khách.

Quảng Nam đã và đang làm hết sức mình để góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung; vùng đất, con người, du lịch Quảng Nam nói riêng đối với du khách trong nước và quốc tế, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Du lịch Hà Nội 'hồ hởi' đón cơ hội mới
Du lịch Hà Nội 'hồ hởi' đón cơ hội mới

Từ ngày 15/3, Chính phủ đồng ý mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, điều đó có nghĩa ngành Du lịch đứng trước cơ hội mới để phục hồi, phát triển sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN