Nhiều băn khoăn
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, thời điểm mở cửa du lịch từ 15/3 là khá chậm so với một số nước trong khu vực, song đó vẫn là tin vui với các doanh nghiệp du lịch trong nước. Tuy nhiên, do đã chậm nên sự chuẩn bị cho các dịch vụ du lịch cần phải tốt hơn để có thể làm hài lòng du khách khi trở lại. Đặc biệt, cần có sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về trách nhiệm của du khách, của công ty du lịch khi có trường hợp du khách bị mắc COVID-19…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Mekong Rustic, đơn vị chuyên đón khách châu Âu đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long cho biết: Lộ trình vào ngày 15/3 giúp các doanh nghiệp du lịch có thời gian chuẩn bị để trở lại hoạt động. Tuy nhiên, do vấn đề an toàn khi đi du lịch được du khách đề cao, nên cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan Nhà nước mới có thể thông báo chi tiết với đối tác và có căn cứ tính giá thành tour. Đơn cử như khách đi tour, khi đến Việt Nam mới phát hiện dương tính và phải cách ly, thì chi phí đó ai sẽ chịu? các dịch vụ đằng sau phải huỷ hoặc điều chỉnh sẽ tính ra sao? Nếu tính các chi phí đó vào giá thì liệu có bán và cạnh tranh được với các nước trong khu vực không?
Nhìn từ góc độ thị trường, các doanh nghiệp du lịch cho rằng cần sớm có sự kết hợp trở lại giữa hãng hàng không, công ty lữ hành và chuỗi cung ứng, vốn đã bị đứt gãy trong thời gian qua. "Đa phần doanh nghiệp du lịch đều khó khăn về nguồn vốn, nhân lực và việc kết nối lại các chuỗi cung ứng trong suốt hai năm 2020-2021. Tuy nhiên, vừa mới đông khách dịp Tết, hàng không đã tăng giá cao “ngất ngưởng” mà không thông báo cho đơn vị lữ hành", một đại diện DN du lịch chia sẻ.
Sau hai năm tạm dừng hoạt động, việc mở cửa trở lại từ tháng 3 chưa thể có khách ngay, mà cần có thời gian để các doanh nghiệp xúc tiến thị trường. Các doanh nghiệp sẽ phải tính toán để xúc tiến và thị trường thực sự có tiềm năng. Bên cạnh hoạt động xúc tiến sản phẩm của doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ xúc tiến điểm đến của cơ quan quản lý Nhà nước.
Phát triển song hành du lịch nội địa, du lịch quốc tế
Ông Nguyễn Ngọc Bích cho rằng dù du lịch quốc tế mở cửa nhưng liên quan nhiều đến các điều kiện thủ tục đón khách, việc đi lại và quy định phòng dịch giữa các quốc gia nên du lịch nội địa vẫn là chủ đạo, nhất là du lịch nghỉ dưỡng trong dịp hè tới. Tuy nhiên, với du lịch nội địa cần sự nhất quán trong triển khai từ Trung ương đến địa phương.
Còn ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho rằng, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân có tiềm năng lớn.. Việc có chính sách mở cửa toàn bộ điểm tham quan và khôi phục hệ thống dịch vụ, tần suất đường bay phục hồi như trước sẽ là điều kiện tốt nhất để thúc đẩy du lịch. Từ Tết, lượng khách đặt dịch vụ tăng dần. Trong dịp Tết, công ty đón được 5.000 khách, dự kiến đón 15.000 khách trong mùa xuân. Bên cạnh đó, công ty đã bắt đầu có chuyến bay quốc tế với lượng khách nhất định. Cuối tháng 2 và đầu tháng 3, doanh nghiệp sẽ tổ chức 2 charter đi Ấn Độ. Tháng 4, đơn vị sẽ có chương trình đi Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác. Hơn nữa, đây là nhu cầu khi cuộc sống được nâng cao. Hiện điều cần làm là làm thế nào để triển khai trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành đánh giá, dịp Tết vừa qua là sự khởi đầu ấn tượng của hoạt động du lịch. Theo thống kê có hơn 6,1 triệu khách du lịch nội địa trong dịp Tết, với 3,2 triệu khách lưu trú. Doanh thu du lịch tuy còn khiêm tốn nhưng ở mức ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa khởi động lại, có mở cửa nhưng chưa hoàn toàn.
"Trong trong bối cảnh mở cửa bình thường mới, thời điểm mở cửa không chỉ ở chính sách mà cả hạ tầng, điều kiện, để khi mở cửa phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ", ông Nguyễn Quý Phương nhận xét.
Bản thân khi thực hiện đón khách thí điểm, thị trường nguồn khách cũng có những thay đổi như Hàn Quốc điều chỉnh chính sách chống dịch vào tháng 12/2021, còn Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "zero COVID-19", khiến hợp đồng du lịch đưa khách đến Việt Nam hạn chế lại.
Về việc đón khách quốc tế từ 15/3, ông Nguyễn Quý Phương cho biết: Các địa phương sẽ căn cứ vào mức độ an toàn và kết quả phòng chống dịch để triển khai mở cửa du lịch. Khi khách quốc tế vào Việt Nam thì cần được đối xử như khách nội địa. Tất cả các cửa khẩu cũng đã sẵn sàng đón khách. Trước đây, chúng ta chỉ đón khách qua đường hàng không nhưng giờ sẽ mở cửa hết các cửa khẩu cả trên đường bộ và đường biển. Điều kiện đón khách du lịch sẽ bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch theo Bộ Y tế. Vấn đề về thị thực sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới như áp dụng visa điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương. Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ có ý kiến báo cáo Chính phủ.
Ngoài ra, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm COVID-19 cũng được nới lỏng hơn. Hiện tại khi nhập cảnh qua đường hàng không, khách quốc tế sẽ được áp dụng cả hai phương pháp xét nghiệm: Kết quả PCR có giá trị trong 72 giờ, test nhanh có giá trị trong 24 giờ. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tự theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày, giống như điều kiện của khách nội địa. Du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và đường biển chỉ cần test ngay cửa khẩu, có kết quả âm tính là được nhập cảnh. Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng sẽ triển khai phương pháp này.
Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch, nếu như trước đây ngành tập trung phát triển du lịch quốc tế, thì giờ Việt Nam đứng trên hai chân kiềng là nội địa và quốc tế. Giai đoạn này, các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau, làm mới sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới; đồng thời đẩy mạnh truyền thông để kích hoạt nhu cầu của người dân, khẳng định ngành du lịch an toàn với những sản phẩm phù hợp.
“Thời gian tới, đơn vị xác định vẫn tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường "truyền thống" như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu..., đặc biệt các nước thừa nhận hộ chiếu vaccine”, ông Đinh Ngọc Đức cho biết.