Các điểm du lịch tâm linh tại Lạng Sơn chủ động phòng, chống dịch COVID-19

Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội lớn tại các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, thu hút đông người đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh du Xuân trảy hội.

Để phòng, chống dịch COVID-19 an toàn và hiệu quả, các điểm du lịch tâm linh ở Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp thích ứng linh hoạt, đặc biệt là tích cực tuyên truyền đến du khách nâng cao ý thức phòng dịch.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và nghiêm chỉnh thực hiện các quy định phòng chống dịch COVID-19 khi đi lễ Đền Kỳ Cùng, Thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Chùa Thành - ngôi chùa cổ kính nằm bên dòng sông Kỳ Cùng chảy qua thành phố Lạng Sơn. Chùa có kiến trúc độc đáo, nổi bật nhất là tam quan chùa với kiến trúc chồng diêm 24 mái, kèm theo ngói mũi hài, các đầu đao cong được thiết kế độc đáo. Ngoài tam quan, Chùa Thành còn có thêm cánh điện, tòa phương đình, điện Mẫu, nhà Tổ… thiết kế vô cùng cổ kính, trang nghiêm. Chùa Thành còn nổi tiếng với hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam… Những kiến trúc độc đáo và linh thiêng đã thu hút hàng vạn phật tử, du khách thập phương đến thưởng lãm, chiếm bái mỗi năm.

Để đảm bảo an toàn cho phật tử và du khách đến thăm chùa, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được nhà chùa triển khai đầy đủ và đúng quy định. Theo Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Trụ trì Chùa Thành, nhà chùa đã phun khử khuẩn xung quanh khu vực, trang bị dung dịch khử khuẩn ở những cửa ra vào và bố trí hàng nghìn khẩu trang miễn phí. Cùng với hệ thống truyền thanh, nhà chùa còn phân công các thành viên thường xuyên hướng dẫn và nhắc nhở du khách khi đến lễ chùa phải thực hiện tốt 5K...

Theo UBND thành phố Lạng Sơn, để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân và du khách thập phương, chính quyền địa phương quyết định tổ chức Lễ hội Đền Tả Phủ - Kỳ Cùng Xuân Nhâm Dần năm 2022 cùng với nghi thức rước kiệu truyền thống (diễn ra từ ngày 22 - 27 tháng Giêng) sau 2 năm tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19. Đây là lễ hội lớn của thành phố cũng như của tỉnh Lạng Sơn. Để các hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, UBND thành phố Lạng Sơn đã khuyến cáo nhân dân và du khách thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế. Du khách chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 không nên tham gia đoàn rước kiệu lễ hội.

Tại Đền Mẫu Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc), do tình hình dịch bệnh, năm 2022, chính quyền địa phương không tổ chức khai mạc lễ hội như thường niên nhưng nhiều du khách thập phương vẫn tới để “cầu phúc, cầu tài”. Chị Trần Thị Nguyệt, du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trước khi đến đây, tôi cũng chưa thực sự yên tâm bởi lo sợ dịch bệnh phức tạp vì đền, chùa những ngày tháng Giêng thường rất đông người. Đến Đền Mẫu Đồng Đăng, công tác phòng, chống dịch bệnh thực hiện rất nghiêm túc và chặt chẽ nên mọi người cảm thấy thoải mái, an toàn để đi lễ đầu năm”.

Để vào Đền Mẫu Đồng Đăng, du khách phải thực hiện đúng và đầy đủ các biện phòng, chống dịch. Cổng chính vào Đền luôn có đội ngũ y tế đo thân nhiệt; khẩu trang và sát khuẩn tay được phát miễn phí, để ở vị trí thuận tiện cho bất cứ ai cũng có thể sử dụng... Các lực lượng khác như Công an, Biên phòng phối hợp giám sát an ninh trật tự, nhắc nhở du khách khi có những hành vi, biểu hiện lơ là trong phòng, chống dịch.

Theo Ban Quản lý Đền Mẫu Đồng Đăng, Ban Quản lý cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho du khách đến lễ Đền đầu năm trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đơn cử như triển khai hiệu quả việc kiểm soát người đến lễ ngay từ cổng vào, hệ thống loa phát thanh bật 24/24 giờ để tuyên truyền và yêu cầu 100% khách vào đền sát khuẩn tay, đeo khẩu trang…

Tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 150 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật là chùa, đền, đình với những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như Chùa Bắc Nga, Đền Mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc); Chùa Tam Thanh, Chùa Thành, Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); Chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng)… Qua thống kê, chỉ trong tháng Giêng có khoảng 300 lễ hội lớn nhỏ. Ghi nhận tại một số cơ sở thờ tự, điểm di tích, điểm du lịch tâm linh trong tỉnh Lạng Sơn đã chủ động dán mã QR tại cổng vào để người dân, du khách quét mã, khai báo y tế; chuẩn bị sẵn dung dịch sát khuẩn, khẩu trang miễn phí; trang bị bảng biển hướng dẫn, nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19; thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng khi cần hỗ trợ…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn, tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở về thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các điểm du lịch; xây dựng nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 phát trên loa truyền thanh ở các khu di tích lịch sử, đền chùa… qua đó đảm bảo an toàn cho người dân khi đến chiêm bái.

Bên cạnh những biện pháp phòng, chống dịch bệnh tích cực của chính quyền, các sở, ngành, địa phương, người dân, du khách đến tham quan, hành lễ ở các cơ sở thờ tự, đền chùa cần nâng cao ý thức, giữ an toàn phòng ngừa dịch bệnh cho cộng đồng, tạo điều kiện góp phần cùng địa phương duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Mở cửa đầu Xuân, Quảng Ninh hút khách đến các điểm du lịch tâm linh
Mở cửa đầu Xuân, Quảng Ninh hút khách đến các điểm du lịch tâm linh

Trong nửa tháng kể từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (1-15/2), tỉnh Quảng Ninh đã đón trên 837.000 lượt khách, tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch tâm linh như: Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu… Tổng lượng khách lưu trú đạt khoảng 40.000 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN