Kích cầu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long vẫn luôn là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và đặc thù, nhất là về phong cảnh và lòng mến khách của người dân địa phương.

Đây là nhận định của các lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Hội thảo khoa học “Giải pháp kích cầu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời COVID-19”. Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào ngày 9/6.

Chú thích ảnh
Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu có hình dáng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam, tại Quảng trường Hùng Vương, phường 1, TP Bạc Liêu. Đây là điểm dừng dân không thể bỏ qua của du khách khi tới Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Nhiều dư địa phát triển

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước, mà còn là một trong bảy vùng trọng điểm về du lịch Việt Nam, trong đó có 5 khu du lịch và 7 điểm du lịch quốc gia, riêng tỉnh Bạc Liêu có 9/39 điểm du lịch tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Song đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, đã gây ra những tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng.

Theo Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 6 đến 7 tỷ USD, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, trước đại dịch, vùng đón trên 47 triệu lượt khách, dự kiến năm 2020 sẽ tiếp đón 50 triệu lượt, tuy nhiên, trong năm 2020, lượng khách du lịch đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm 38,4%, doanh thu giảm gần 50%. Năm 2021, lượng du khách tiếp tục giảm thêm 27,4%, doanh thu tiếp tục giảm thêm 28,8%.

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch. Vùng nằm liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước…

Cùng với đó, Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm..., với những nét văn hóa hết sức đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, như giao thông chủ yếu sử dụng ghe, thuyền; các điểm quần cư nông thôn gắn liền với hệ thống kênh rạch, sống chung với lũ và phương thức khai thác các sản vật mùa khô và mùa nước nổi...

Đặc biệt, với lợi thế thỏa thuận liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đến du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp.

Phát triển du lịch sinh thái

Chú thích ảnh
Hệ thực vật của rừng tràm Trà Sư (An Giang) mang tính đặc trưng của vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: M.T/Báo Tin tức

Tập trung khai thác và phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp công nghệ cao được các chuyên gia, nhà khoa học về du lịch quan tâm, coi đây là hướng đi cho ngành du lịch trong thời gian tới.

Thạc sĩ Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang cho biết, các địa phương có sản xuất nông nghiệp đều có thể xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp khác nhau và cần làm ra những sản phẩm đặc thù của mình để thu hút khách du lịch; đồng thời với việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm đa dạng, phong phú, mới lạ để thu hút, hấp dẫn du khách. Hiện nay, các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch đang là hướng đi bền vững được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân áp dụng nhằm gia tăng lợi ích kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu khẳng định, du lịch sinh thái cộng đồng đang trở thành hướng đi mới của nhiều vùng nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp nhiều vùng nông thôn được “thay áo mới”, rút ngắn khoảng cách với thành thị. Khi kết hợp sản xuất với điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm, chủ các nhà vườn có thể tăng lợi nhuận lên gấp 2 đến 3 lần so với chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Tại Cà Mau, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là loại hình du lịch chủ đạo, tạo đột phá cho du lịch Cà Mau. Hệ sinh thái rừng tràm U Minh hạ, hệ sinh thái rừng đước Mũi Cà Mau, cùng với những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em tạo nên sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa nhân văn của tỉnh. Cà Mau có hai vườn quốc gia đó là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với diện tích tự nhiên 42.000 ha và Vườn Quốc gia U Minh Hạ với 8.286 ha đã và đang thực hiện quy hoạch, đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái xứng tầm với những gì thiên nhiên đã ban tặng.

Các điểm đến du lịch tại Cà Mau gồm: Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long, Đầm Thị Tường, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (nơi có vườn chim trong lòng thành phố Cà Mau), Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, các vườn chim tự nhiên (Tư Sự, Tư Na), các điểm du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (Tư Nhuần, Ba Sú, Tư Ngãi, Năm Hướng, Hoàng Hôn, Nguyễn Hùng, Hương Đất Mũi, Rừng Đước)…, tại khu vực huyện U Minh, Trần Văn Thời (Mười Ngọt, Năm Quốc, tuyến T19, Hương Tràm, Hương Rừng, Khang Huy…).

Bạc Liêu - vùng đất nổi tiếng về đờn ca tài tử, có 3 dân tộc sinh sống có nét văn hóa đa dạng lại có vườn nhãn, cánh đồng điện gió, cánh đồng hoa cải, hoa Thì Là rất đẹp, có nhiều vườn chim, vườn nhãn, vuông tôm nuôi sinh thái kết hợp nông - lâm - thủy sản; có đầm sen ở Hồng Dân; ẩm thực, nhất là sản phẩm thủy, hải sản của Bạc Liêu rất đa dạng… cần được khai thác hiệu quả.

Chính vì vậy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang Lê Minh Tùng đề nghị, để phát huy thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long về du lịch sinh thái nông nghiệp, cần tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên nông nghiệp kết hợp với tài nguyên văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên; xác định hướng đi chủ đạo là phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách... 

Đồng thời, tại các điểm, khu vực tổ chức du lịch sinh thái nông nghiệp, các địa phương cần hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất phù hợp, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp lữ hành trong quá trình hoạt động; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái…

Liên kết phát triển

Chú thích ảnh
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, được Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường cho biết, xu hướng liên kết trong phát triển du lịch là xu hướng sống còn của ngành Du lịch hiện nay. Các nội dung cần quan tâm trong công tác liên kết, hợp tác gồm: lĩnh vực thông tin về tình hình phát triển du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới…

Về vấn đề này, trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” diễn ra tại Bạc Liêu ngày 18/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá, hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.

Cùng đó, liên kết phát triển du lịch góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số tuyến đường cao tốc đã được gấp rút triển khai góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch như tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận…

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân liên kết, hợp tác giữa các địa phương, nhất là trong triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú tham gia các sự kiện, hội chợ, triển lãm, chương trình trong và ngoài nước. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, triển khai các nội dung phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch trong bối cảnh mới, truyền tải thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” với thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” với thị trường nội địa.

Nhật Bình (TTXVN)
Hàng không kích cầu du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Hàng không kích cầu du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hai hội thảo “Du lịch Việt Nam-Điểm đến sáng tươi” và “Thúc đẩy du lịch đồng bằng sông Cửu Long hậu COVID-19 từ chiến lược liên kết hàng không với du lịch”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN