Khi nông dân "biết cách" làm du lịch

Nhiều miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long làm du lịch từ hơn chục năm nay nhưng chủ yếu là cách làm tự phát, thiếu bền vững. Tạo sự hấp dẫn hơn cho du khách từ thay đổi cách làm đang được triển khai tại một số mô hình theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Để tạo thành điểm du lịch hấp dẫn khách, không chỉ đơn thuần để khách vào thăm quan, thưởng thức trái cây mà còn hướng dẫn, giúp du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. “Đáp ứng nhu cầu của khách hơn là bày những thứ mình có” là cách làm du lịch cộng đồng theo xu hướng bền vững mà dự án EU – ESRT đang triển khai tại Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang.

Dự án EU- ESRT đã hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, từ bàn ghế tới máy tính, ti vi, máy chiếu… để đào tạo cho các hộ dân làm du lịch cộng đồng.

Sau khi tham gia lớp tập huấn, điểm du lịch cộng đồng gia đình ông Mười Cương (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ) đã tổ chức lại khâu quảng bá, marketing...

Ông Mười Cương trực tiếp giới thiệu về quy trình trồng, thu hoạch và chế biến ca cao. Du khách có thể trực tiếp tham gia các công đoạn chế biến sản phẩm cao cao.

Du khách trực tiếp thưởng thức các sản phẩm từ cao cao, trải nghiệm làm nông dân miền Tây.

Sau khi tham quan và trực tiếp xem quy trình chế biến ca cao, nhiều du khách đều mua sản phẩm từ ca cao làm quà. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ông Mười Cương luôn ổn định, tăng 50% so với trước đây, khi chỉ làm nông đơn thuần.

Điểm du lịch Vàm Xáng của ông Năm Liền (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Cần Thơ) được thiết kế lại, tổ chức các dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng khách.

Ông Năm Liền trực tiếp giới thiệu về đặc điểm của từng loại trái cây, cách chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh, bảo quản hoa quả sạch... Phương thức mới này hấp dẫn du khách thành thị. Theo ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền, huyện có 42 điểm tham quan, du lịch, trong đó có 6 điểm làm du lịch cộng đồng hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập.

Xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên, An Giang) nằm trên cù lao Hổ giữa sông Hậu hấp dẫn khách quốc tế trải nghiệm đời sống văn hóa độc đáo của người dân miền sông nước với các nghề trồng cây ăn trái, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, làm giá… Xã Mỹ Hòa Hưng cũng là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Mỹ Hòa Hưng có 9 hộ tham gia làm cộng đồng. Đây là những hộ còn lưu giữ được những nếp nhà sàn thấp cổ đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khi làm du lịch, các hộ đều trang trí, thiết kế lại sân vườn sạch sẽ, mang đến một không gian yên bình.

Loại hình du lịch home-stay với sự tham gia của du khách vào các công việc hàng ngày với người dân địa phương như: nấu ăn, thu hoạch hoa màu, trái cây, tát mương, bắt cá, kéo lưới, mò ốc… được nhiều khách quốc tế ưa thích. Loại hình du lịch cộng đồng giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Xuân Cường
Bảo vệ hướng dẫn viên du lịch “nội”
Bảo vệ hướng dẫn viên du lịch “nội”

Tình trạng người nước ngoài làm hướng dẫn viên (HDV) chui thời gian qua không chỉ xuyên tạc lịch sử, làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, quyền lợi của những HDV “nội”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN