Du lịch và đại dịch COVID-19 từ các góc nhìn 

Đó là chủ đề Hội thảo quốc tế do Trường Đại học Thái Bình Dương, Trường Đại học Khánh Hòa và Trường Đại học Đà Lạt phối hợp tổ chức trong 2 ngày 13-14/1 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo có sự tham dự của hàng chục chuyên gia và diễn giả, giảng viên các trường đại học trong nước và trên thế giới.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham gia hội thảo. 

Hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới; Những nghiên cứu liên quan đến đại dịch COVID-19 từ góc nhìn thực tiễn và đối chiếu; Hướng phát triển du lịch hậu COVID-19. Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan, Trưởng ban Tổ chức hội thảo cho biết, các đại biểu thông qua các nghiên cứu thực tiễn ở nước ngoài, so sánh khó khăn và thuận lợi từ nhiều địa phương, quốc gia ở thời điểm đại dịch COVID-19 để đưa ra các giải pháp, hướng đi mới cho ngành Du lịch, góp phần giúp ngành này có thể phát triển, phục hồi bền vững trong thời kỳ hậu COVID-19.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Emmanuelle Peyvel, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại IRASEC đặt tại Bangkok (Thái Lan) - một nhà nghiên cứu rất gắn bó với Việt Nam, trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh đến việc dịch COVID-19 làm lộ ra những rối loạn trong ngành Du lịch; đồng thời, khẳng định thời kỳ này cũng khiến cho ngành này có những thay đổi mạnh mẽ. Về giải pháp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Emmanuelle Peyvel khẳng định, phát triển du lịch nội địa có tầm quan trọng trong bối cảnh phục hồi du lịch sau dịch COVID-19. Để khai thác hiệu quả du lịch nội địa, mỗi địa phương, quốc gia cần có những giải pháp dịch chuyển nhẹ nhàng, đảm bảo cho du khách có trải nghiệm thật sự chất lượng.  

“Dịch COVID-19, ngoài những khó khăn, chúng ta cũng nhìn thấy đây chính là bối cảnh thuận lợi cho việc đổi mới diễn ra hiệu quả; khả năng chịu đựng và phục hồi của ngành Du lịch được nhìn nhận đa chiều với nhiều giải pháp mới, vượt bậc. Cụ thể như người làm nghề có thời gian ngừng việc, tự trau dồi, nâng cao tay nghề và tham gia vào các lớp đào tạo một cách tốt hơn…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Emmanuelle Peyvel nói.

Giáo sư, Tiến sĩ Yann Roche, Đại học Québec tại Montreal (Canada) trình bày về chủ đề “Tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch tỉnh Québec, Canada”, đề cập đến thực tiễn tình hình tiêm chủng vaccine ở tỉnh này. Đa số người mắc COVID-19 ở đây vẫn chưa tiêm vaccine, con số tử vong rất lớn. Điều này gây tác động lớn các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh nhất là hệ thống các khách sạn, dịch vụ du lịch; nhiều nơi không trụ được, phá sản. Mới đây, biến chủng mới Omicron tiếp tục gây tác động nặng nề đến ngành Du lịch của Canada, tỉnh Québec sau một thời gian ngắn khống chế được dịch COVID-19.

“Hiện tại vẫn rất khó khăn để dự báo tình hình dịch COVID-19 nhưng các nhà nghiên cứu đã và đang quan ngại rất lớn việc phục hồi ngành Du lịch của tỉnh Québec, bởi những nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng vẫn đang hiện diện. Vậy nên thích nghi và có hướng phát triển phù hợp là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch ở Québec. Chỉ khi thích ứng thì ngành Du lịch mới có khả năng phục hồi trở lại”, Giáo sư, Tiến sĩ Yann Roche trình bày.

Ông Huỳnh Mai Bảo Thụy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần S-Solution tại Nha Trang đánh giá, dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến các ngành nghề trong xã hội. Việc đưa ra các giải pháp phục hồi cho các ngành nghề trong xã hội đang được công ty chú trọng phát triển. Trong phần trình bày về “Dòng chảy nhân sự chất lượng ở Việt Nam”, ông Bảo Thụy chỉ ra sinh viên, trường học và doanh nghiệp cần có sự kết nối chặt chẽ. Việc thay đổi nhận thức về đào tạo và tuyển dụng rất quan trọng. Nhân lực được bồi dưỡng, đào tạo nâng cao. Để làm điều này, nhà trường phải cập nhật tình hình bối cảnh hiện nay đưa vào giảng dạy, còn doanh nghiệp phải đề cập với nhà trường nhu cầu mà doanh nghiệp cần. Có như vậy, chất lượng nhân sự ngành Du lịch mới được nâng cao.

Nhóm tác giả của Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương với bài trình bày “Ý định du lịch của người Việt Nam trong đại dịch COVID-19” cho rằng, Việt Nam trong thời kỳ này khai thác các sản phẩm du lịch an toàn với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cao. Để người dân đi du lịch trong thời điểm này cần có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp từ các cấp, ngành như tăng cường quảng bá, đưa các các điểm đến mới, tăng tính trải nghiệm cho du khách, tăng cường chuỗi giá trị, doanh nghiệp du lịch cam kết hoãn hủy, đổi tour để du khách yên tâm đi du lịch, giảm rủi ro trong khi đi du lịch...

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, giảm 73% so với năm 2020, trong khi quý đầu tiên của năm 2021, mức giảm đã là 88%. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á.

Tại Việt Nam, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 11/2021, Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế. Số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 3.500 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180 nghìn tỷ đồng. Năm 2022 ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu đón 65 triệu lượt khách, trong đó 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa; tổng thu ước đạt 400 nghìn tỷ đồng.

Tin, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng đáng kể
Khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng đáng kể

Theo Tổng cục Du lịch, dữ liệu phân tích của Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đây là dấu hiệu khả quan cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt trong sự nỗ lực hồi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN