Linh hoạt ứng phó với thách thức
Theo Tiến sỹ Vũ Nam (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): Các điểm đến du lịch xanh, điểm đến gần, đi theo gia đình, nhóm nhỏ hoặc xe tự lái vẫn là một trong những xu hướng phổ biến của khách du lịch nội địa kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới.
Điều này cũng trùng với kết quả điều tra khách nội địa của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch về một số điểm đến được khách du lịch nội địa quan tâm năm 2022. Trong đó, điểm đến gần với thiên nhiên (85,2%); Điểm du lịch vui chơi giải trí (65,2%); Điểm du lịch văn hóa (40,2%); Điểm du lịch đô thị (18,9%); Điểm du lịch tâm linh (20,5%); Điểm du lịch mới (36,1%). Số liệu trên cho thấy các điểm đến du lịch gần với thiên nhiên, các điểm đến du lịch xanh đang được khách du lịch nội địa lựa chọn nhiều nhất.
Thời gian tới, mục đích đi du lịch của khách du lịch nội địa vẫn chủ yếu là tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch năm 2022, khách du lịch nội địa đi du lịch với mục đích vui chơi giải trí (chiếm 73,8%), nghỉ dưỡng (70,5%), tham quan (66%). Các mục đích khác như tìm hiểu văn hóa chiếm40,6%, thăm thân 23%, học tập 23,4%, du lịch thể thao, mạo hiểm là 9,8%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của thị trường khách du lịch nội địa trong thời gian tới còn có thể đối mặt với một số thách thức, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt.
Tiến sỹ Vũ Nam phân tích, đầu tiên là các rủi ro, khủng hoảng mới có thể xảy ra đối với ngành du lịch sẽ gây tác động tới cầu du lịch trong nước. Một số rủi ro có thể kể đến như chiến tranh kéo dài dai dẳng nhiều năm sau dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không tránh khỏi các ảnh hưởng đó… Đây là thách thức mang tính vĩ mô, đến từ bối cảnh chung của tình hình kinh tế thế giới cũng như tại Việt Nam.
Hai là các thách thức đến từ các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore hay thậm chí là các đối thủ lớn khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Khi các thị trường này mở của hoàn toàn như trước đại dịch COVID-19, một số lượng lớn khách du lịch nội địa thu nhập cao, điều kiện kinh tế ổn định sẽ có xu hướng lựa chọn các điểm đến gần trong khu vực, chi phí chênh lệch không nhiều so với các điểm đến trong nước để đi du lịch, thậm chí nhiều chương trình du lịch đến các nước láng giềng trong khu vực có giá rẻ hơn đi du lịch trong nước. Do đó, một lượng lớn khách du lịch nội địa có chất lượng, có khả năng chi tiêu cao hoặc sử dụng các dịch vụ du lịch chất lượng cao có thể trở thành khách inbound của các quốc gia, điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới.
Thêm vào đó, trong bối cảnh mới, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng đứng trước thách thức phải phát triển sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch có chất lượng, không ngừng đổi mới, sáng tạo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách du lịch nội địa. Tiếp đó là thách thức đến từ công tác quản lý điểm đến du lịch các cấp, từ cấp quốc gia đến các địa phương…
Sức mạnh kép từ liên kết vùng
Các chuyên gia cho biết: Trước sự phục hồi, phát triển nhanh chóng của thị trường khách nội địa, việc định hướng khai thác hiệu quả dòng khách này chính là chiến lược quan trọng để góp phần khôi phục ngành du lịch trong bối cảnh mới.
Một trong những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa là tăng cường phối hợp, liên kết phát triển giữa các vùng. Việc này góp phần đắc lực đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước, không chỉ giúp phát huy lợi thế của mỗi địa phương mà còn cùng nhau mở rộng thị trường khách nội địa.
Liên kết phát triển là hướng đi đúng đắn để du lịch đủ sức bật dậy sau khoảng lặng do COVID-19 và phát triển bền vững hơn. Từ đó, tạo ra hiệu ứng, chiến dịch quảng bá ở trong và ngoài nước, thúc đẩy các liên kết, liên minh kích cầu du lịch nội địa, kết nối sáng tạo hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, đưa khách từ các trung tâm (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…) đến địa phương.
Bà Đặng Thị Hồng Vân (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã nêu một số giải pháp cụ thể trong liên kết phát triển du lịch nội địa. Đó là các tỉnh, thành phố trong một vùng nên tăng cường liên kết, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Ví dụ, các địa phương có thế mạnh du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Lào Cai… cần trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, xúc tiến kêu gọi đầu tư du lịch để các địa phương khác học hỏi, vận dụng đưa vào quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch hiệu quả. Mặt khác địa phương cũng cần phối hợp, tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh.
Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Long, Đào Vũ Hương Giang, Ngô Việt Anh (Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Cần Thơ; Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển) đề xuất cần đẩy mạnh hợp tác liên kết liên vùng để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý.
Cụ thể là tăng cường liên kết giữa Hà Nội (du lịch MICE, mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí…) với các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Việt Bắc (du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển) để các sản phẩm có sự khác biệt, bổ trợ cho nhau. Tương tự, liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh (du lịch MICE, mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí…) và Cần Thơ với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ngoài ra, cũng cần chú trọng liên kết giữa các vùng du lịch khác nhau để đáp ứng thị hiếu của du khách về việc trải nghiệm không gian du lịch khác biệt. Ví dụ như xây dựng chương trình kích cầu cho du khách ở các tỉnh miền Nam Bộ đến Bắc Bộ, Đông-Tây Bắc, miền Trung…; du khách ở Bắc Bộ đến các tỉnh Đông-Tây Bắc, miền Trung và Nam Bộ…
Một vấn đề cũng quan trọng cần thực hiện trong bối cảnh này là phát triển nguồn nhân lực dựa trên đặc điểm của từng khu vực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Bởi lẽ, nguồn nhân lực du lịch đã có sự sụt giảm do tác động từ đại dịch. Lượng khách nội địa sẽ ngày càng tăng, nhưng thực tế là nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đây thực sự là thách thức lớn và là vấn đề cấp bách của toàn ngành hiện nay.
Theo các chuyên gia, thiếu nguồn nhân lực đã tạo ra "lỗ hổng" lớn trong ngành du lịch nhất là thời điểm hoạt động du lịch trở lại trong bối cảnh mới. Việc đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực càng trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Do đó, các ngành chức năng, địa phương, cơ sở đào tạo cần chú trọng phát triển mô hình khách sạn trường học để đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng cho các vùng…
Có thể thấy rằng, thị trường nội địa luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch và còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là sau dịch COVID-19. Vấn đề là toàn ngành cần các giải pháp mới, kế hoạch cụ thể để thu hút khách, tăng mức độ chi tiêu, đóng góp của khách. Từ đó mới hành động để đạt mục tiêu như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đề ra là: Đến năm 2025, ngành du lịch phục vụ ít nhất 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm…