Du lịch Cần Thơ cũng ghi nhận sự “chào sân” của các tân binh mới ngay trước thời điểm Tết Nguyên Đán, hứa hẹn sự sôi động cho ngành kinh tế mũi nhọn này.
Nâng cấp, làm mới mình
Tại Phong Điền, cái tên Mekong Rustic không còn xa lạ với những tín đồ yêu mến du lịch Cần Thơ bởi đây là một trong những homestay mang phong cách nhà vườn được du khách đặc biệt ưa thích. Gần đây, nơi này được "thay áo" mới với tên gọi Hieu’s Cottage. Song hành với tên gọi mới là nhiều hạng mục mới, độc đáo đang được triển khai.
Hieu’s Cottage như một làng quê thu nhỏ, dựa trên văn hóa bản xứ đất Phong Điền. Đây là khu phức hợp sinh thái theo tiêu chuẩn 4 sao, trong đó có những hạng mục nổi bật như Yoga Sky (khu sân thượng tập yoga với huấn luyện viên chuyên nghiệp, cách mặt đất khoảng 15m), khu phòng nghỉ trên cây với thiết kế thân thiện môi trường, sân tập golf, vườn vitamin (nơi ươm trồng các loại rau sạch).
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Hồng Hiếu (Hieutour Co., Ltd), người sáng lập Hieu’s Cottage chia sẻ, khu phức hợp có diện tích 2,5 ha với 25 phòng. Mỗi phòng được thiết kế như những ngôi nhà độc lập, tận dụng các nguyên liệu tự nhiên làm nên sự khác nhau: N
hà tranh vách lá, nhà tường lợp ngói, nhà gỗ, nhà trên cây… Trước mỗi ngôi nhà là những hàng cau, hoa kiểng đẹp mắt, mang đậm hơi thở miền quê Tây Nam Bộ. Những ngôi nhà được bố trí rất tinh tế, nằm dọc theo con rạch được dẫn nước từ kênh rạch tự nhiên ở Phong Ðiền. Nắm bắt xu thế du lịch sinh thái, du lịch trách nhiệm với môi trường, Hieu’s Cottage ra đời trên cơ sở gìn giữ những gì tự nhiên nhất, trong đó yếu tố văn hóa bản địa luôn được tôn trọng.
Nhằm tăng trải nghiệm cho du khách, tại Hieu’s Cottage còn có chợ quê được tái hiện vào các ngày cuối tuần (thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật); hay những chương trình trải nghiệm liên kết đạp xe thăm các làng nghề: Chằm nón, đóng ghe, thợ rèn... Ngoài các hoạt động này, Hieu’s Cottage đang xây dựng nhiều chương trình như làm tranh gạo, xem trình diễn nhạc cụ truyền thống, thử sức với võ Vovinam… cùng một số hạng mục mới.
“Du lịch cộng đồng cồn Sơn” là cụm từ khá quen thuộc với khách du lịch khi đến quận Bình Thủy. Từ tháng 5/2021, các hoạt động du lịch bị tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân làm du lịch tại cồn Sơn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn không ngừng nỗ lực để thích ứng. Hầu hết các hộ dân nơi đây đều tận dụng thời gian đóng cửa không đón khách để tân trang, nâng cấp sản phẩm du lịch sẵn có, cũng như sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới.
Tiêu biểu là sản phẩm “Cồn Sơn hồi đó” đang tiếp tục được hoàn thiện; mô hình “Cá lóc bay” của nhà vườn Thành Tâm đang được mở rộng, các vườn hoa cảnh đủ màu sắc hiện đã bắt đầu trổ bông... Chị Phan Kim Phước, nhà vườn Song Khánh cho biết: Chúng tôi đang làm lại vườn, trồng thêm nhiều nông sản. Bên cạnh việc phục vụ những bữa ăn “tươi” cho du khách, chúng tôi đang nghiên cứu chế biến nông sản theo các hình thức đóng gói đông lạnh hay sấy khô để bán cho khách mang về.
Theo ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm đang hỗ trợ người dân cồn Sơn xây dựng các sản phẩm OCOP, đồng hành cùng bà con để tìm những giải pháp nâng cao giá trị nông sản địa phương, xây dựng thương hiệu nông sản cồn Sơn, chuyển đổi tư duy để thích ứng và nâng cao giá trị sản phẩm.
Tại quận Cái Răng, “Chợ nổi Cái Răng” là điểm đến mà hầu hết du khách sẽ không thể bỏ qua. Trong thời gian tạm ngừng các hoạt động du lịch do dịch COVID-19, các chủ ghe đã chủ động tân trang lại ghe thuyền, mở rộng thêm trải nghiệm cho khách như thưởng thức trái cây, cà phê, các món ăn sáng… trên ghe.
Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết: Trong định hướng làm mới và định hình bản sắc văn hóa chợ nổi, chợ nổi Cái Răng sẽ ưu tiên duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa bản địa như tập huấn cho thương hồ các kiến thức và cách biểu diễn những bài đờn ca tài tử, kiến thức về các mô hình ghe, tàu để giao lưu, nói chuyện về văn hóa với du khách, duy trì mô hình trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi…
Các mô hình tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ… cũng đang được đưa vào thử nghiệm, nhằm làm tăng sự tương tác giữa người dân bản địa và du khách. Mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm - một cách làm kinh tế đêm trên sông nước cũng là định hướng phát triển cho chợ nổi Cái Răng trong tương lai gần.
Nhiều sản phẩm mới ấn tượng
Một trong những điểm đến mới đang được du khách nhắc đến gần đây là Mekong Silt Ecolodge. Mekong Silt Ecolodge được ra mắt từ tháng 6/2021. Sau đó khu du lịch tạm đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 nên khu du lịch chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2022.
Nằm bên dòng Rạch Chuối (huyện Phong Điền), Mekong Silt Ecolodge được bao phủ bằng vườn cây xanh mát, mang đến cảm giác rất thanh bình. Nét nổi bật của khu du lịch chính là 22 phòng nghỉ được thiết kế tách biệt nhau, nằm dưới các tán cây mát mẻ, theo phong cách thuần tự nhiên, đậm chất văn hóa miền sông nước. Đặc biệt, vật liệu làm nên các phòng nghỉ được lấy từ cây dâu - loại cây đặc sản của Phong Điền, bổ sung thêm vào đó là lá dừa nước, khăn rằn, mo cau… được sử dụng để trang trí nội thất.
Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge chia sẻ: Lớn lên từ làng quê Nam Bộ, đã quen với những cảnh ruộng lúa, xuồng ghe tấp nập nên bà luôn mong muốn có thể xây dựng một khu làng quê có thể làm sống lại ký ức xưa. Trong đợt dịch vừa rồi, chưa được đón khách, khu nghỉ tập trung tân trang cơ sở vật chất, huấn luyện nhân viên. Bên cạnh dịch vụ nghỉ dưỡng, Mekong Silt Ecolodge cũng thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian (kéo lưới, bơi xuồng, làm bánh dân gian Nam Bộ…) để du khách được trải nghiệm nhiều hơn với văn hóa miền Tây.
Anh Nguyễn Vũ Linh, du khách tại Mekong Silt Ecolodge hào hứng cho biết: Khung cảnh ở khu du lịch này rất quen thuộc, gợi nhớ về quê hương. Ban đầu tôi định ở một ngày, nhưng khi đến đây tôi quyết định kéo dài thêm thời gian lưu trú để có thể trải nghiệm nhiều hơn. Tôi yên tâm khi du lịch và lưu trú tại đây vì bên cạnh những phương pháp phòng, chống dịch mà ngành du lịch triển khai, du khách phải đáp ứng những yêu cầu như tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm PCR trong 72 giờ…
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Điền cho biết: Địa phương hiện có 64 điểm du lịch, trong đó có 30 điểm du lịch sinh thái. Phong Điền đang tập trung xây dựng 3 loại hình du lịch: Sinh thái, nghỉ dưỡng homestay và văn hóa - lịch sử, trong đó ưu tiên phát triển du lịch gắn liền với sông nước, vì đây là sản phẩm phù hợp tiềm năng, đặc trưng của địa phương. Trong thời gian tới, Phong Điền sẽ thử nghiệm chọn một đoạn kênh rạch, trong đó có sự kết nối với các làng nghề, các khu nghỉ dưỡng để có thể xây dựng các trải nghiệm văn hóa sông nước đúng nghĩa, từ khám phá chợ nổi Phong Điền đến tham quan vườn cây, nghỉ tại nhà dân…
Thời điểm này, khi đến quận Bình Thủy, du khách có cơ hội được tham quan “Vườn quýt hồng” tại khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Đây là mô hình mới ra mắt vào ngày 17/1 và duy nhất tại Cần Thơ kinh doanh loại trái cây vốn được coi là đặc sản của vùng Lai Vung (Đồng Tháp). Vườn quýt hồng được trồng theo phương pháp hữu cơ, rộng khoảng 6.500m2 với hàng trăm gốc quýt hồng đang độ chín rộ, trái vàng rực, trĩu cành, rất thích hợp để du khách săn được những tấm ảnh mê hoặc lòng người.
Bên cạnh các địa điểm du lịch lâu đời, tại quận Cái Răng thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều điểm vườn du lịch mới theo xu hướng đáp ứng nhu cầu chụp hình của giới trẻ. Khu du lịch Thiên đường hoa, tại phường Phú Thứ là một trong những điểm đang được các bạn trẻ “săn lùng” để check-in.
Anh Nguyễn Minh Tới, chủ khu du lịch Thiên đường hoa cho biết, đón đầu xu hướng mong muốn tìm kiếm một địa điểm có nhiều hoa đẹp để du xuân đầu năm của du khách nên anh đã cải tạo khu đất 11.000 m2, trồng nhiều loại hoa như hoa mãng đình, sao nhái, hướng dương… đan xen với các tiểu cảnh như vườn chong chóng, nón lá, cầu tình yêu… Dù mới mở cửa đón khách từ ngày 10/1 nhưng mỗi ngày khu du lịch đón trên 200 lượt khách và có xu hướng gia tăng vào những ngày cận Tết Nguyên đán.
Tương tự, Thiên đường hoa ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, cũng có một khu du lịch khá nổi tiếng, đó là khu vườn hoa tam giác mạch rộng 3.000 m2. Chủ nhân khu du lịch này là anh Đỗ Đức Trọng (26 tuổi, kỹ sư nông nghiệp). Nắm bắt được nhu cầu của du khách hiện nay muốn trở về với thiên nhiên, muốn chiêm ngưỡng những loài hoa lạ, anh đã nghiên cứu đưa vào trồng thử nghiệm loài hoa tam giác mạch - một loài hoa vốn chỉ có ở vùng núi Hà Giang phía Bắc. Sau hai năm thử nghiệm, anh đã thành công, hiện vườn hoa của anh phát triển khá tốt, dù khí hậu Cần Thơ nắng nóng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định, lãnh đạo ngành cũng như thành phố đánh giá cao sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp du lịch nhằm làm mới mình cũng như vực dậy hoạt động sau một thời gian dài gần như “tê liệt” do dịch COVID-19. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đến các cơ sở du lịch để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; tham mưu cho thành phố những chương trình hỗ trợ sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, Sở sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách đến Cần Thơ, như trang trí đường đèn nghệ thuật, chương trình nghệ thuật chào năm mới tại Trung tâm Văn hóa thành phố; tổ chức Tết Quân - Dân, trang trí vườn hoa nghệ thuật tại Công viên Sông Hậu, Liên hoan đờn ca - ca nhạc - tiểu phẩm... Các hoạt động đều được gắn với những phương án phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.