Để du lịch thúc đẩy kinh tế vùng Tây Bắc - Bài cuối

Tìm hướng phát triển


Để khai thác tiềm năng, các tỉnh Tây Bắc nhận thấy cần liên kết để tạo sức mạnh trong xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực và tránh trùng lắp sản phẩm.


Liên kết tạo sự đa dạng


Bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, trưởng nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, cho biết: “Tây Bắc là vùng có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng cũng là những địa phương có tỷ lệ đồng bào nghèo còn cao, nên chưa có điều kiện khai thác hết tiềm năng. Trong 5 năm qua, chương trình hợp tác mở rộng 8 tỉnh Tây Bắc về du lịch đã tạo diễn đàn các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phối hợp với nhau làm tốt hơn công tác quy hoạch, quảng bá. Đồng thời, các doanh nghiệp có cơ hội để chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển du lịch. Chúng tôi nhận ra để phát triển du lịch Tây Bắc phải cố gắng phát huy những đặc thù của từng tỉnh với những nét văn hóa độc đáo của mình để khai thác. Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng bảo tồn văn hóa của các đồng bào dân tộc 8 tỉnh Tây Bắc, coi đây là tài nguyên quý giá của các tỉnh Tây Bắc”.


Bản du lịch cộng đồng tại hồ Thác Bà.


Bà Phạm Thanh Tâm, phụ trách tour nội địa của Vietrantour cho biết: “Không chỉ khách quốc tế mà hiện cũng có nhiều khách nội địa quan tâm đến Tây Bắc. Hiện du lịch đến Tây Bắc chỉ phần nhiều là khám phá, do đó, khách du lịch sẽ đến đây nhiều hơn nếu dịch vụ hạ tầng tốt. Để làm được điều này, các tỉnh cần tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp dịch vụ với các đơn vị kinh doanh lữ hành tại các thị trường như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”.


Để nâng hiệu quả liên kết, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã dự kiến thành lập Ban chỉ đạo Du lịch khu vực, do các Phó Chủ tịch tỉnh làm thành viên; đồng thời hình thành khối hợp tác doanh nghiệp du lịch và dịch vụ trên địa bàn, nhằm phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý trong việc khai thác hiệu quả các hoạt động du lịch. Dưới sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, dự án EU, các tỉnh đã hoàn thiện bộ thương hiệu du lịch của khu vực và xây dựng kế hoạch quảng bá chung tầm nhìn 2020. Nhất là hướng đến “Năm du lịch quốc gia khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vào năm 2017”, từ nay đến năm 2016, tất cả các sản phẩm du lịch của vùng được hoàn thiệu và quảng bá rộng rãi.

 

Cần sự hỗ trợ


Để phát triển tiềm năng Tây Bắc, cần có sự đầu tư tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó tạo tiền đề cho phát triển kinh tế. Ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam, cho biết: “Để phát triển đột phá cần đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, đây là vùng có điều kiện khó khăn nên Nhà nước cần ưu tiên và có cơ chế thu hút đầu tư vào vùng du lịch trọng điểm, tạo điểm nhấn. Bên cạnh đó, với các điểm du lịch cộng đồng, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp vì họ hiểu từng thị trường khách, có tư vấn để tạo sản phẩm hợp lý”.

Với sự hợp tác của 8 tỉnh Tây bắc mở rộng, năm 2012, 8 tỉnh đã đón trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 7% so với năm trước, tổng doanh thu du lịch xã hội đạt trên 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4%. Cơ sở hạ tầng du lịch bước đầu phát triển, hiện 8 tỉnh có trên 1,3 nghìn cơ sở lưu trú, trong đó các cơ sở lưu trú tại gia tại các điểm du lịch cộng đồng tăng số lượng và cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách.


“Các điểm phát triển du lịch cộng đồng cần đào tạo, hướng dẫn cho người dân về cách tiếp cận du lịch từ cách đón tiếp, giao lưu... và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Nên có điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm địa phương. Để bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc, các tỉnh cần quy hoạch lại không gian văn hóa truyền thống cho các phiên chợ tình; hệ thống tuyến điểm du lịch phải có sự liên kết đa dạng giữa các loại hình du lịch sinh thái, khám phá, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng… Trước mắt các tỉnh Tây Bắc có thể tạo điều kiện các đơn vị lữ hành phát triển các sản phẩm du lịch team building (loại hình du lịch dã ngoại kết hợp hoạt động theo nhóm)”, bà Phạm Thanh Tâm cho biết. 


Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ truyền thông cả trong và ngoài nước. “Thực tế một số điểm du lịch cộng đồng gần đây tại vùng Tây Bắc thu hút khách do được các dự án EU và một số dự án của Tây Ban Nha hỗ trợ. Họ rất chú trọng đến quảng bá, maketing và thực tế những điểm này rất thu hút khách”, ông Nguyễn Giang Nam, giám đốc Công ty Asia Pacific Travel, nhận xét.


Ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai, cho biết: “8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ phối hợp với dự án EU thành lập 1 mô hình kiểu mẫu cho Ban quản lý du lịch cấp cộng đồng, xây dựng một số nhà văn hóa xã điển hình, trong đó tăng cường các trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm. Chúng tôi hướng tới phát triển du lịch cộng đồng để người dân cùng được hưởng lợi.”


Còn anh Đặng Xuân Sơn cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ nhu cầu của khách nên hỗ trợ người dân một số bản làng làm du lịch như vệ sinh môi trường và tư vấn về ý tưởng về sản phẩm. Đơn cử như ở điểm du lịch Ngọc Sơn- Ngổ Luông (Hòa Bình), sản phẩm bó đũa, đan truốt từ tre rất được du khách ưa thích, nhưng để phù hợp với khách Tây cần làm dài hơn. Tương tự, những đồ thổ cẩm chúng tôi cũng tư vấn cách làm túi, khăn với màu sắc kích cỡ sao cho phù hợp với từng thị trường khách. Sau khi được tư vấn, người dân đã làm những sản phẩm phù hợp và bán khá tốt”.


Thực tế, du lịch Tây Bắc mới trong giai đoạn đầu phát triển nên rất cần sự định hướng quy hoạch và đầu tư, sự hỗ trợ của Chính phủ. “Sau đợt khảo sát vòng cung Tây Bắc của 8 tỉnh, chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị tới Ban Chỉ đạo Tây Bắc để có sự hỗ trợ liên kết, kêu gọi đầu tư hạ tầng một số điểm du lịch trọng điểm để tạo đà cho kinh tế khu vực này phát triển”, ông Đoàn Văn Trì, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Điện Biên, cho biết.



Bài và ảnh:Xuân Minh

Để du lịch thúc đẩy kinh tế vùng Tây Bắc - Bài 2
Để du lịch thúc đẩy kinh tế vùng Tây Bắc - Bài 2

Tuy được đánh giá nhiều tiềm năng, nhưng để thúc đẩy du lịch vùng Tây Bắc phát triển vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN