Để du lịch thúc đẩy kinh tế vùng Tây Bắc - Bài 2

Bài 2: Vẫn còn nhiều lực cản

 

Tuy được đánh giá nhiều tiềm năng, nhưng để thúc đẩy du lịch vùng Tây Bắc phát triển vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

 

Thiếu nguồn nhân lực


Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận xét: Việc phát triển du lịch khu vực Tây Bắc đang gặp nhiều lực cản. Khó khăn đầu tiên là nguồn nhân lực. Bộ máy quản lý du lịch cấp tỉnh tại Sở VH,TT&DL vừa thiếu và yếu nên khó tham mưu cho cấp lãnh đạo về định hướng quy hoạch và phát triển du lịch. Nhận thấy đây là vùng tiềm năng, dự án EU về du lịch có trách nhiệm đã tập trung hỗ trợ cho vùng Tây Bắc mở rộng từ việc quy hoạch, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ phát triển cộng đồng.


 

Chợ Tam Đường luôn thu hút khách du lịch bởi bản sắc dân tộc.

Liên kết là xu hướng phát triển tất yếu trong du lịch, nhằm tăng thời gian lưu trú, cũng như sử dụng các sản phẩm du lịch. Do đó, để làm nổi bật được tiềm năng, thế mạnh của một vùng, 5 năm qua, chương trình liên kết hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, đã được triển khai, gồm Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, nhằm đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và đào tạo nguồn nhân lực. Ông Đoàn Văn Trì, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Điện Biên cho biết: “Chúng tôi quan tâm nhất là vấn đề nguồn nhân lực. Hiện nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch Điện Biên chỉ có hơn 2.000 người và hàng nghìn người làm gián tiếp, nhưng thực tế phần lớn lực lượng này chưa qua đào tạo, dẫn đến dịch vụ chưa chuyên nghiệp, đáp ứng loại hình du lịch cao cấp”.


Trực tiếp giúp bản du lịch cộng đồng tại Chiềng Xa (Mộc Châu, Sơn La) và Ngọc Sơn, Ngổ Luông (Hòa Bình), anh Đặng Xuân Sơn, chủ nhiệm CLB du lịch có trách nhiệm chia sẻ: “Với kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn và làm tour du lịch Tây Bắc, chúng tôi biết rõ tiềm năng du lịch cộng đồng nơi đây nhưng để người dân hiểu được cách thức phục vụ khách, làm những món ăn và nhu cầu của khách là cả một quá trình dài”. Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Giang Nam, Giám đốc Công ty Asia Pacific Travel, cho biết: Đối với khách du lịch ngoại quốc, họ rất thích nơi ở và vệ sinh sạch sẽ. Chính vì vậy, khi phát triển du lịch cộng đồng, việc vận động để người dân hiểu được và chấp nhận thay đổi thói quen chăn nuôi dưới nhà sàn, xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn là cả một quá trình. Tất nhiên khi đầu tư hệ thống cơ sở này trong giai đoạn đầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp và cả chính quyền.


Ông Don Taylor, chuyên gia Dự án EU về du lịch trách nhiệm có nhiều năm làm tư vấn tại khu vực Tây Bắc, thừa nhận: Nhân sự quản lý, định hướng của các tỉnh để phát triển du lịch còn yếu và thiếu. Một số khu vực có tiềm năng du lịch cộng đồng cần phải đầu tư và tập huấn để đáp ứng được về thực tế phát triển du lịch. Du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà dân hiện chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống, trong khi những trải nghiệm về cuộc sống như lao động và bán hàng lưu niệm còn thấp. Một trong những lý do là thiếu hiểu biết về nhu cầu của khách và yếu kém trong kỹ năng kinh doanh và trình độ ngoại ngữ.

 

Hạ tầng còn bất cập


Một trong những khó khăn cho du lịch vùng Tây Bắc là hạ tầng du lịch. Bằng chứng rõ nhất là tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2013 mới đây, 8 tỉnh Tây Bắc kêu gọi đầu tư vào 16 dự án du lịch trọng điểm, nhưng nhận được rất ít sự quan tâm của nhà đầu tư. Ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, trong số 16 dự án du lịch kêu gọi đầu tư, có những dự án như dự án hồ Pá Khoang (Điện Biên)... đã kêu gọi đầu tư cả hơn chục năm nay, nhưng chưa được nhà đầu tư mặn mà, bởi những khó khăn về điều kiện tự nhiên. Nếu đầu tư vào đây cần lượng vốn lớn trong khi khả năng sinh lời không cao, dẫn đến khó thu hút.


Thừa nhận thực tế này, ông Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở VH, TT&DL Lào Cai, trưởng nhóm liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, cho biết: Hiện các dự án thu hút đầu tư về du lịch của các tỉnh đều đã công bố nhưng ít thu hút nhà đầu tư do kinh phí đầu tư cao, trong khi hiệu quả thu hút khách khó bằng đồng bằng. Thực tế cũng có nhà đầu tư trong tỉnh và vùng quan tâm nhưng mức đầu tư vẫn nhỏ giọt và manh mún. Do đó muốn thu hút đầu tư vào các điểm du lịch cần cơ chế thông thoáng hoặc phải được Nhà nước hỗ trợ về hạ tầng cơ sở.


“Đối với du khách trong nước, du lịch vùng Tây Bắc mới chỉ dừng lại ở việc một nhóm người tự muốn khám phá, tự tìm đến với những cảnh đẹp còn khác lạ. Trong khi đó, để trở thành vùng đất nghỉ dưỡng cần làm rất nhiều việc. Điều đầu tiên là khắc phục hạn chế về hạ tầng du lịch, bởi đã đi du lịch phải có cung đường thuận tiện..., ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn, cho biết.


Trong khi đầu tư một khu nghỉ dưỡng còn khó khăn thì việc đầu tư cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng được đánh giá có tính khả thi hơn. Tuy nhiên, để phát triển cần có quy hoạch và sự đầu tư đúng hướng của chính quyền các cấp và sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. “Các bên cùng tham gia đầu tư và cùng chia sẻ lợi nhuận từ phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế, có một số nơi định hướng là du lịch cộng đồng, nhưng không đầu tư, nên khách chỉ đến chụp vài kiểu ảnh rồi đi, nên thực tế không mang lại nguồn lợi gì cho cư dân bản địa. Do đó, nếu đã xác định là bản du lịch cộng đồng thì phải được đầu tư và tạo thành sản phẩm để du khách thụ hưởng và chi trả phí sử dụng dịch vụ. Từ đó mới có nguồn kinh phí để tái đầu tư phát triển”, ông Trần Hữu Sơn cho biết.


Bài và ảnh: Xuân Cường

Bài cuối: Tìm hướng phát triển

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN