Xác định rõ thế mạnh, nhận diện đúng khó khăn, thực hiện giải pháp phù hợp, Bạc Liêu đang đặt mục tiêu từng bước trở thành tỉnh trọng điểm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với phương châm tạo ấn tượng cho du khách về sự thay đổi năng động: “càng đi càng thấy hay, càng tiêu xài càng thấy thích thú, càng trải nghiệm càng thấy thêm ấn tượng”.
Nhân Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết nêu rõ những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch của địa phương.
Bài 1: Khai thác tiềm năng đa dạng
Với tầm nhìn chiến lược, tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh tập trung khai thác và phát triển du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Qua đó đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo nhiều việc làm; xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; xây dựng và quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Bạc Liêu năng động, hiếu khách, thân thiện trọng nghĩa, trọng tình.
Tiềm năng phát triển
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, tỉnh có nhiều tiềm năng, dư địa để khai thác và phát triển du lịch. Trong đó, tỉnh có lợi thế phát triển du lịch sinh thái với bờ biển dài 56km cùng các dự án phát triển điện gió rừng phòng hộ; các khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), Cái Cùng (huyện Hòa Bình), ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim (thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu)…
Đặc biệt, Vườn chim Bạc Liêu có lịch sử hơn 100 năm, được hình thành bởi sự bồi tụ tự nhiên từ thảm thực vật ven Biển Đông. Với tổng diện tích 125 ha, vườn có hơn 100 loài chim, trong đó có 9 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, hơn 180 loài cây của rừng ngập mặn. Khu du lịch sinh thái vườn nhãn cổ Bạc Liêu trải dài trên 10km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) với diện tích 230ha, có tuổi thọ trên 100 tuổi.
Riêng đối với du lịch văn hóa tâm linh, tuy còn mới so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng Bạc Liêu lại có nhiều công trình mang ý nghĩa tâm linh như thu hút mỗi năm hàng triệu lượt du khách đến hành hương, tham quan, chiêm bái như: Thành Hoàng cổ miếu (chùa Minh), Phước Đức cổ miếu (chùa Bang), chùa Xiêm Cán, chùa Cỏ Thum, chùa Giác Hoa, Triều Quang Sùng Thiện đường, Huyền Thiên Thượng đế cổ, miếu mộ Chung Bá, khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Làng nghề cũng là điểm nhấn tiêu biểu của Bạc Liêu. Tỉnh có làng nghề đan đát ấp Mỹ I (huyện Phước Long); làng nghề mộc, nghề dệt chiếu, nghề đan đát (huyện Hồng Dân); Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm muối (huyện Đông Hải)… Ngoài ra, địa phương được biết đến với những cánh đồng điện gió, khu nhà công tử Bạc Liêu, tháp cổ Vĩnh Hưng, nhà hát Cao Văn Lầu... Bạc Liêu còn là cái nôi của Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có sản phẩm, thương hiệu văn hóa du lịch đặc trưng nhiều nhất với 10 sản phẩm trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, điều cần làm của tỉnh là phải khai thác những sản phẩm này hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách trong giai đoạn mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng thương hiệu du lịch của vùng.
Đa dạng nhiều loại hình du lịch
Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương khẳng định, du lịch Bạc Liêu đã có những bước chuyển đáng kể, số lượng du khách, doanh thu dịch vụ du lịch tăng lên qua mỗi năm. Cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã có những đóng góp quan trọng, giúp ngành du lịch Bạc Liêu bứt phá.
Điển hình là khu Quán âm Phật đài (thành phố Bạc Liêu), nơi thờ Phật bà Nam Hải. Dân gian tương truyền với tấm lòng từ bi, bác ái, Phật bà (nhiều người gọi là Mẹ Nam Hải) đã cứu giúp chúng sinh thoát khỏi bệnh hiểm nghèo, phù hộ ngư dân lênh đênh giữa biển khơi qua nhiều cơn bão lớn… Nhà thờ Tắc Sậy ở thị xã Giá Rai thờ Linh mục Phan-xi-cô Xa-vi-ê Trương Bửu Diệp (nhiều người gọi là Cha Diệp) thu hút cả triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cầu nguyện bởi những giai thoại ly kỳ về vị Linh mục này.
Bên cạnh các điểm đến là các di tích, khi đến với Bạc Liêu, khách du lịch còn được tham gia, hòa mình vào không gian lễ hội truyền thống giàu bản sắc văn hóa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Nổi bật là Lễ hội Ok Om Bok tổ chức ngày 15/10 âm lịch hàng năm. Trong dịp lễ này, người Khmer còn tổ chức hội đua ghe Ngo truyền thống rất tưng bừng, náo nhiệt, với sự tham gia của hàng ngàn người.
Đặc biệt, Lễ hội Dạ cổ hoài lang là lễ hội tiêu biểu hàng năm của Bạc Liêu được tổ chức từ ngày 13-15/8 âm lịch. Tỉnh tự hào là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang và cũng là một trong những nơi được xem là cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Một năm trở lại đây, các tín đồ du lịch chia sẻ với nhau thông tin “về Bạc Liêu, đi Cà phê Trang trại Cừu, ngắm cối xay gió, lạc vào xứ mộng mơ”. Cà phê Trang trại Cừu nằm trên tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu (thuộc ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch), cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7km về hướng thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Theo chủ quán Cà phê Trang trại Cừu, mô hình có tổng diện tích khoảng 10.000 m2. Du khách đến địa điểm này bằng xe máy hay ô tô đều được. Bạn Dương Hoàng Lộc (tỉnh Đồng Tháp) rất ngạc nhiên, khi ở Bạc Liêu có một khung cảnh nên thơ không khác gì Đà Lạt, có ngựa, có cừu, có cối xay gió. Đây chắc là điểm “check in” hấp dẫn cho nhiều bạn trẻ vào dịp cuối tuần hay vào những ngày lễ, Tết.
Cùng với đó, một số hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư điểm du lịch sinh thái bằng những vườn hoa tươi, tiểu cảnh nghệ thuật. Nhiều mô hình đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh như cánh đồng hoa Huỳnh (ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) với nhiều loại hoa hầu hết được nhập khẩu; khu sinh thái Phương Nam (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) với nhiều trò chơi dân dã đậm chất miền Tây, cùng với đó là những cánh đồng điện gió đẹp tựa trời Tây.
Do đặc điểm tự nhiên, biển của thành phố Bạc Liêu không có các bãi tắm nước xanh, cát trắng, song có những nét độc đáo của hệ sinh thái ngập mặn như cảnh quan rừng ngập mặn với kênh rạch chằng chịt, các sản vật phong phú, có giá trị cao, hệ thống các trang trại, khu nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt thành phố đang tập trung phát triển các dự án điện gió khu vực ven biển, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Những khu vực này được khai thác phát triển du lịch theo hình thức các khu du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần gắn với sinh thái nông nghiệp, tham quan điện gió và du khách có thể trực tiếp trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của cư dân vùng ven biển…
Bài cuối: Từ trụ cột của địa phương đến liên kết vùng