Một trong năm trụ cột chính
Ước tính đến hết năm 2022, tổng thu du lịch toàn tỉnh đạt 3.200 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2018; tỉnh đón khoảng 3,6 triệu lượt khách, tăng hơn 2 lần so với năm 2018. Bạc Liêu tiếp tục nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tổng thu dịch vụ du lịch và lượng khách du lịch nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu xét riêng lĩnh vực du lịch, ít có tỉnh, thành phố nào trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà chưa đầy 10 năm, Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề dành riêng phát triển du lịch. Tại Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh phát triển du lịch, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu kích thích sự phát triển của ngành với những giải pháp căn cơ từ đầu tư hạ tầng đến định hình và phát triển một số sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng. Tại Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 17/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy đã mạnh dạn nhìn nhận thực trạng, tiềm năng phát triển du lịch để đề ra mục tiêu mang tính vươn cao.
Theo đó, Bạc Liêu xác định đến năm 2025 sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7-9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động (trong đó 12.000 lao động trực tiếp); có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Bạc Liêu có ngành du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô và chất lượng; đón 12 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 28 nghìn tỷ đồng, đóng góp 10,9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 50.000 lao động (20.000 lao động trực tiếp). Toàn tỉnh có 20 điểm du lịch, 2 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận, trong đó 1 khu du lịch được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đặc biệt, tỉnh xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, cũng như các kế hoạch, đề án, chương trình về phát triển du lịch của UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu cơ bản của du lịch tăng trưởng ổn định, bình quân lượng khách mỗi năm tăng trung bình khoảng 15 - 20%, tổng thu du lịch tăng bình quân trên 20%, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân.
Liên kết và định vị không gian du lịch
Để có bước phát triển lâu dài, tạo nền tảng ổn định, ngành du lịch Bạc Liêu cần phải liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long hình thành nhiều trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện sản phẩm, trong đó Bạc Liêu có mặt ở tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa” kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau.
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã xây dựng và chào bán 2 sản phẩm liên tuyến phù hợp với bản sắc của mỗi sản phẩm, đặc trưng khu vực sông Mê-kông có liên quan đến Bạc Liêu. Cụ thể, Bạc Liêu thuộc tuyến du lịch “Nhịp sống Mê-kông” theo hành trình: Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau (6 ngày) và tuyến du lịch “Sông nước Cửu Long” theo hành trình: Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau (4 ngày).
Trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào đầu năm 2022 tại Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bạc Liêu, đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu việc thúc đẩy các hoạt động du lịch cần được quán triệt triển khai, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học, hiệu quả.
Mới đây, tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất một số nội dung liên quan đến định hướng, quy hoạch phát triển du lịch tỉnh. Cụ thể, tỉnh đề nghị Bộ xem xét đề xuất bổ sung vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia đối với khu du lịch Nhà Mát, quy mô có thể khai thác phát triển du lịch là 19.849ha. Khu du lịch này nằm trên trục đường bộ ven biển kết nối từ các tỉnh Trà Vinh - Bến Tre - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau đang được đầu tư. Dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu với điểm cuối tại khu vực ven biển thành phố Bạc Liêu đã được đưa vào quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia sẽ có điều kiện phát triển du lịch và kết nối thị trường du lịch với các tỉnh, thành phố; đặc biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, khách quốc tế từ Thái Lan, Campuchia.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, tỉnh đang định hướng phát triển đô thị du lịch thành phố Bạc Liêu. Cụ thể, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí trở thành đô thị loại 1, đô thị trung tâm của Tiểu vùng bán đảo Cà Mau; phấn đấu đến năm 2030, đưa thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị du lịch, là trung tâm điều tiết, kết nối, tạo động lực phát triển du lịch của các đô thị thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng đó, Bạc Liêu còn tập trung kêu gọi đầu tư các dự án liên quan đến phát triển du lịch, dịch vụ như các khách sạn đạt chuẩn 4 - 5 sao; hệ thống dịch vụ đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các khu vui chơi, giải trí tổng hợp chất lượng cao, đặc biệt là giải trí về đêm, các trung tâm thương mại, siêu thị…
Ở góc độ chuyên môn, theo bà Trần Thị Lan Phương, tỉnh xây dựng các đề án cụ thể để rà soát, đánh giá các tài nguyên du lịch nhằm tạo cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương gồm không gian du lịch trung tâm thành phố Bạc Liêu; không gian du lịch ven biển thành phố Bạc Liêu; không gian du lịch vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh thành phố Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải); không gian du lịch Giá Rai - Đông Hải; không gian du lịch Vĩnh Lợi - Hồng Dân - Phước Long, đảm bảo xây dựng các chiến lược đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giữa các không gian ưu tiên phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, Bạc Liêu chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch, tăng cường kết nối ngành du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch tại thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm khác trên cả nước để tạo thương hiệu, khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương; tăng cường khai thác dịch vụ du lịch kết hợp với các dự án điện gió.