Nhiều chương trình đặc sắc trong Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại TP Hồ Chí Minh

Từ ngày 2 - 4/12, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TP Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Về những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ” nhằm giới thiệu các chương trình văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh Lai Châu đến với đông đảo người dân, du khách tại TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cung cấp thông tin về Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TP Hồ Chí Minh.

Chiều ngày 25/11, tại buổi công bố Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TP Hồ Chí Minh, ông Lương Chiến Công, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, lễ khai mạc của chương trình sẽ tổ chức tại đường Lê Lợi (Quận 1) với sự tham gia trên 100 diễn viên, nghệ nhân là người dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Lào, Lự...; lễ hội đường phố sẽ tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) với sự tham gia trên 100 nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Tại đây, người dân, du khách TP Hồ Chí Minh sẽ được chiêm ngưỡng những chàng trai, cô gái dân tộc Thái trong trang phục “sửa luông” với cây đàn tính hòa cùng nhịp của trống, chiêng; hoặc tìm hiểu về dân tộc Hà Nhì trong điệu Xòe không ngủ kết hợp với trống, chiêng và các làn điệu dân ca; điệu Leo bo - dân tộc Lào; vũ điệu Khèn, điệu múa Sênh tiền - dân tộc Mông… Tất cả các hoạt động trên sẽ giúp du khách tại TP Hồ Chí Minh chiêm ngưỡng trọn vẹn bức tranh văn hóa đa sắc màu của các dân tộc thiểu số tại Lai Châu. 

Trong khuôn khổ của tuần lễ này còn có các hoạt động trình diễn Khèn dân tộc Mông; hát Then - đàn Tính, múa Xòe, múa sạp dân tộc Thái (trong đó hát Then, nghệ thuật múa Xòe dân tộc Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Theo đó, khi đến với tuần văn hóa - du lịch này, người dân và du khách TP Hồ Chí Minh sẽ được trải nghiệm các hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống (kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong dân tộc Mông; chế tác và sử dụng đàn tính dân tộc Thái…); tục nhuộm răng đen dân tộc Lự; văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian (Ném pao, tó má lẹ, én cáy…); ẩm thực và sản phẩm OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm) đặc trưng...

Chú thích ảnh
Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số, tất cả đã tạo nên một kho tàng văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc để thu hút du khách.

Ngoài ra, từ ngày 3 - 4/12, tỉnh Lai Châu còn tham gia một số hoạt động tại Lễ hội “TP Hồ Chí Minh - Ngôi nhà chung của chúng ta” năm 2022 tại đường Nguyễn Huệ. Theo đó, tỉnh Lai Châu sẽ đóng góp một số chương trình như: trình diễn trang phục truyền thống của 10 dân tộc đại diện cho 20 dân tộc tỉnh Lai Châu; hoạt động múa Xòe, múa sạp (dân tộc Thái); múa Khèn (dân tộc Mông); múa Xòe (dân tộc Hà Nhì)... Đây là những điệu múa mang đặc trưng của từng dân tộc, đại diện theo địa vực cư trú từ dẻo thấp, dẻo giữa và dẻo cao tại Lai Châu.

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu là tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc có diện tích 906.878 ha, dân số là 43 vạn người. Tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, đất đai phì nhiêu, phong cảnh núi non hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng với cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng... Lai Châu hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế; song sự phát triển trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, di tích được xếp hạng đang được đưa vào khai thác du lịch khá hiệu quả.

"Hiện nay, Lai Châu đang phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn để xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, có giá trị trên cơ sở các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội, tạo sự hấp dẫn khách du lịch và giúp nâng cao đời sống cho người dân bản địa", ông Tống Thanh Hải cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Tống Thanh Hải, dù nhiều tiềm năng nhưng ngành du lịch tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng. Vì vậy, để du lịch phát triển tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng hơn; tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu về văn hóa, du lịch Lai Châu tại các tỉnh phía Nam. Mặt khác, tỉnh cũng tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không kết nối với các tỉnh thành phía Bắc như: khởi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu; mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên… 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc ở Lai Châu
Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc ở Lai Châu

Nằm ở vùng biên viễn, Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên một kho tàng văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN