Chiến khu Rừng Sác-điểm đến hút khách cuối tuần tại TP Hồ Chí Minh

Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), một địa danh lịch sử gắn liền với các chiến sỹ đặc công của Đoàn 10 anh hùng năm xưa, đã được phát triển thành điểm đến du lịch lịch sử thu hút du khách trong và ngoài nước.

Một chiến khu đầy hiển hách...

Những ngày cuối tháng 8, tôi may mắn có dịp ghé thăm khu di tích lịch sử Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh). Đi dọc theo con đường đất dài hơn 1.000m tính từ bìa rừng vào khu căn cứ đã làm tôi nhớ về các chiến sỹ đặc công Rừng Sác năm xưa. Trong các chiến sỹ ở Rừng Sác mà tôi đã may mắn được gặp có Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 bộ đội đặc công nước Rừng Sác năm xưa.

Chú thích ảnh
Đại tá Lê Bá Ước cho rằng, đặc khu Rừng Sác được coi là "căn cứ nổi" của bộ đội đặc công.

Đại tá Lê Bá Ước cho biết, trong những năm chiến tranh chống Mỹ, đặc khu Rừng Sác được coi là“căn cứ nổi” của bộ đội đặc công, nơi đây đã diễn ra hơn nghìn trận đánh xuất quỷ nhập thần khiến quân địch vô cùng khiếp sợ. Với địa thế đặc thù hiểm trở ấy, Rừng Sác trở thành một “đầm lầy tử địa” nằm sát “sân sau” thủ phủ Việt Nam cộng hòa, buộc tổng hành dinh Sài Gòn phải đặc biệt quan tâm, liên tục tung quân càn quét.

Đại tá Lê Bá Ước nhớ lại, năm 1963, tại căn cứ Rừng Sác, bộ đội của ta cũng chính thức thành lập trạm tiếp nhận hàng quân sự từ ngoài Bắc chuyển vào. Một năm sau, Bộ tham mưu Miền đã cử một phân đội cắm chốt tại đây để tiện làm nhiệm vụ, sau đó phối hợp với đội công binh thuỷ hình thành đoàn 125.

Tháng 1/1966, do yêu cầu tác chiến và biên chế lực lượng tăng lên, đoàn 125 đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 43, bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các cơ quan dân chính đảng của 10 xã bao quanh địa bàn Rừng Sác. Từ đây, đặc khu Rừng Sác có nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược - sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch (trong đó có thành Tuy Hạ) và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.

Chú thích ảnh
Mô hình các chiến sỹ đặc công Rừng Sác nghiên cứu trận đánh kho xăng Nhà Bè tại khu di tích.

Tại khu vực này, để bảo vệ sông Lòng Tàu, Mỹ cũng tuyên bố "làm cỏ Rừng Sác" bằng “mưa bom bão đạn". Để chống lại sự ngông cuồng của Mỹ, các chiến sỹ đặc công Rừng Sác đã làm nên trận đánh tàu Mỹ lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ, đó là trận đánh tàu Victoria vào tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm… cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966 -1967. Để bảo vệ tàu này, địch bố trí dày đặc lực lượng bảo vệ, dưới sông có tuần tiễu liên tục, trên trời có máy bay quần thảo, trên bộ biệt kích phục dày đặc để bảo vệ số vũ khí trên.

Chú thích ảnh
Mô hình bồn chứa nước sinh hoạt của các chiến sỹ đặc công khi sinh sống, hoạt động trong Rừng Sác.

Đại tá Bá Ước cho biết, để chuẩn bị cho trận này, hơn một tháng ròng, các chiến sỹ đặc công phải dầm mình trong nước, trong bùn đi nghiên cứu địa hình, địa vật. Đến sáng 23/8, khi tàu Victoria đi qua, chỉ với 2 quả thủy lôi, các chiến đặc công đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10.000 tấn cùng khí giới chìm xuống lòng sông.

Ngoài ra, một trận đánh oai hùng khác của các chiến sỹ đặc công Rừng Sác không thể không nhắc tới là trận đánh kho xăng Nhà Bè với lề thề “Đã đi là đánh, đã đánh là thắng, chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về". Trong trận này, chỉ với 8 chiến sĩ dũng cảm mưu trí của đội 5, đoàn đặc công 10 Rừng Sác đã vượt qua sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền Sài Gòn khiến kho xăng Nhà Bè cháy suốt 12 ngày đêm”.

Chú thích ảnh
Ngày nay, khu di tích Rừng Sác thu hút nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu lịch sử. 

Tại chiến khu Rừng Sác, các chiến sỹ đặc công khi nghiên cứu địa hình chiến đấu còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đại tá Lê Bá Ước cho biết, trong một lần hành quân, một lính đặc công 10 bị té xuống sông, cá sấu ngoạm lấy cánh tay phải, dù chỉ còn lại cánh tay trái, đồng chí ấy cố lấy con dao găm dắt bên hông đâm vào mắt của cá sấu tìm đường thoát thân. Ngay sau đó, đồng chí này được các đồng đội đưa đi cấp cứu với vết hằn sâu của hàm răng cá sâu trên tay.

Đảo khỉ hút khách du lịch

Sau giải phóng, căn cứ Rừng Sác được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 15/12/2004 và nơi đây trở thành điểm du lịch tìm hiểu lịch sử của TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Chú thích ảnh
Dịp lễ Tết, đảo khỉ trở thành điểm đến lý tưởng của du khách khi đến TP Hồ Chí Minh.

Ông Lê Văn Sinh, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (hay còn gọi là Rừng Sác) hiện nay đang được xem là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.

UNESCO cũng đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Tới Cần Giờ, đa số du khách sẽ ghé thăm đảo khỉ và khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác.

Chú thích ảnh
Những hàng đước - loại cây đặc hữu của Rừng Sác, tạo thành vòm trên lối vào chiến khu xưa.
Chú thích ảnh
Những chú khỉ sống thành đàn rất tình cảm là hình ảnh khá thu hút du khách khi đến đảo khỉ nằm trong khu di tích Rừng Sác.

“Thời chiến tranh chống Mỹ, cả khu vực đảo khỉ Cần Giờ bị chất độc dioxin tàn phá. Năm 1978, đơn vị đã kiên nhẫn trồng lại rừng, nhằm khôi phục hệ sinh thái bản địa. Đầu năm 1990, một người dân đi rừng phát hiện ra dấu vết của khỉ, nhưng lúc ấy không ai tin có loài vật nào sống được trên vùng đất vừa bị chất độc dioxin tàn phá. Mãi đến năm 1995, sau một thời gian theo dõi và dụ dỗ, bầy khỉ mới về đây, lúc ấy cả khu rừng chỉ có 250 con khỉ, gồm 3 bầy. Từ đó, người ta bắt đầu tin vùng đất này thực sự hồi sinh. Hiện nay, khỉ ở đảo khỉ sinh sôi nảy nở hơn 2.000 con, sống gần gũi con người và rất hiếu động. Sau khi tham quan đảo khỉ, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ đi thuyền trên các con lạch, đi thuyền câu cá, đi sâu vào vào bên trong rừng đước để khám phá hệ sinh thái ở đây”, ông Sinh cho biết thêm.

Ngày nay, đảo khỉ thu hút khách du lịch cũng như các em học sinh đến tìm hiểu. Du khách đến đây, nếu sơ ý sẽ bị các chú khỉ “mượn" chiếc mũ hay một món đồ nào đó. Theo thống kê của quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, lượng khách du lịch đến đảo khỉ hàng năm đều tăng, những ngày lễ, ngày cuối tuần số lượng khách mua vé tham quan lên đến hơn 5.000 người. Trung bình một ngày đảo khỉ đón khoảng 1.500 lượt khách tham quan.

Chú thích ảnh
Vào dịp cuối tuần, nhiều gia đình tại TP Hồ Chí Minh thường cho các bé đến đảo Khỉ tham quan, vui chơi.

Chị Nguyễn Thu Dịu (ngụ quận 2) dẫn 2 con đi tham quan đảo khỉ Rừng Sác, cho biết lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy những chú khỉ dễ thương, những cây đước ngập mặn mọc thẳng tắp thành rừng đã khiến hai con trai của chị cảm thấy rất gần gũi, thích thú. Đây là những điều mà trước đây hai con của chị Dịu chỉ biết và cảm nhận qua sách vở.

Chị Dịu cho biết, dịp nghỉ lễ 2/9 này, gia đình đã chọn điểm đến là đảo khỉ Cần Giờ, bởi nơi đây rất gần trung tâm TP Hồ Chí Minh khi muốn tham quan, vui chơi dịp lễ. "Khi đưa các con đến đây, các con của mình có thể tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của dân tộc thông qua điểm đến chiến khu Rừng Sác. Ở đây, các bé được tìm hiểu về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của các chiến sỹ đặc công năm xưa bằng hàng loạt hình ảnh các chiến sỹ đặc công sinh sống và chiến đấu trong rừng. Ngoài ra, đến đây, các bé vừa được hòa mình vào bầu không khí trong lành mát mẻ, được đi dưới những tán cây xanh mát rượi của tự nhiên và được trêu đùa, cho các chú khỉ dễ thương, tinh nghịch ăn uống…", chị Dịu cho biết.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Khách du lịch toàn cầu tăng cao nhất kể từ năm 2010
Khách du lịch toàn cầu tăng cao nhất kể từ năm 2010

Tổng lượt khách du lịch quốc tế trên thế giới trong năm 2017 đạt 1.323 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với năm 2016 và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN