Lá chắn xanh cho nội đô
Sau thời gian dài bị tàn phá do chiến tranh, từ năm 1978, TP Hồ Chí Minh đã bắt tay vào khôi phục diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ. Qua gần 38 năm phục hồi và phát triển, những cánh rừng ngập mặn hoang tàn trước đây đã phát huy vai trò là “lá phổi xanh” của thành phố. Rừng Cần Giờ hiện được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới, với diện tích rừng ngập mặn lên tới hơn 31.700 ha; trong đó, 18.900 ha là rừng trồng, và trên 500 ha bãi bồi, với chức năng là vùng đệm ngoài của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ thực hiện tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Theo Ban quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ, ngoài chức năng điều hòa không khí, rừng ngập mặn còn có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, các bãi bồi có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển rừng, tạo thành những lớp thực vật bao bọc để chắn sóng, giữ đất chống sạt lở khi triều cường và nước biển dâng. Rừng cây ngập mặn có hệ rễ cũng như mật độ dày đặc, vừa cố định đất và hạn chế xói lở, vừa đẩy nhanh quá trình bồi tụ ở các vùng đất có bãi bồi.
Chính vì thế, đi đôi với việc quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ tập trung khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh trồng rừng trên đất bãi bồi vùng cửa sông, ven biển để tăng diện tích rừng cũng như nâng cao giá trị rừng ngập mặn. Trong giai đoạn 2012 - 2015, gần 1.000 ha rừng tự nhiên đã được khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh và đa dạng hóa các loại cây trồng. Dự kiến từ nay đến năm 2020, sẽ trồng mới thêm khoảng 200 ha đến 250 ha rừng ở các hiện trạng vùng bãi bồi cửa sông ven biển. Ban quản lý phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu định hướng cho việc phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo ông Cao Huy Bình, Phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, rừng ngập mặn trải dài trên địa phận các xã của huyện Cần Giờ, khi rừng ngập mặn được phục hồi, người dân Cần Giờ sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ trồng và chăm sóc rừng. Việc giao khoán rừng cho người dân đã phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng.
Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng
Theo PGS.TS Viên Ngọc Nam thuộc Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là một lá chắn bảo vệ TP Hồ Chí Minh, mà còn giúp các tỉnh lân cận trong việc hạn chế gió bão, xói lở từ bờ biển, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây còn là nguồn cung cấp thức ăn quan trọng, là khu vực sinh trưởng cho nhiều loài động vật và thủy hải sản.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, rừng ngập mặn Cần Giờ có đặc điểm đặc biệt là nằm trong một thành phố lớn, có mật độ dân số cao, một trung tâm công nghiệp lớn nhất nước. Rừng cũng nằm bên cạnh tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An là những địa phương có ngành công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh. Vì vậy, tác động của con người và các hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.
Để kết hợp hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng. Trung tâm truyền thông giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã đi vào hoạt động từ năm 2004 với nhiệm vụ chính là thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ. Bà Phạm Thị Minh Trí, một lãnh đạo tại trung tâm cho rằng, nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Đối với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng hiện tại trung tâm tổ chức rất nhiều chương trình cho học sinh, các hộ dân sống ven rừng, cho hộ sản xuất dưới tán rừng và trên địa bàn huyện như Câu lạc bộ em yêu thiên nhiên, Phụ nữ với biến đổi khí hậu...
Việc bảo vệ và sử dụng bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ chính là giải pháp lâu dài để TP Hồ Chí Minh ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định, dựa vào nguồn tài nguyên rừng, và thiết lập được một bức tường “Xanh ” vững chắc.