Huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) có khoảng 37.000 ha rừng ngập mặn với hệ thống sông ngòi chiếm trên 31% diện tích của huyện; là cửa ngõ tiếp giáp các tỉnh lận cận qua các sông Thị Vải (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), sông Soài Rạp (Long An, Tiền Giang). Du khách có thể đi ghe, thuyền để khám phá hết vẻ đẹp, sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây. Đó là những điều kiện riêng để du lịch đường sông của huyện có thể phát triển. Tuy nhiên, đến nay du lịch đường sông của huyện vẫn chỉ mang tính tự phát, manh mún.
Mặc dù nhiều đơn vị lữ hành đã chọn Cần Giờ như một điểm đến hấp dẫn để đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhưng mới chỉ dừng lại ở việc bán vé cho du khách vào tham quan một số địa điểm như Đảo khỉ, khu du lịch sinh thái Vàm Sát… Trong khi đó, những đơn vị làm du lịch khác muốn đẩy mạnh đầu tư vào loại hình hấp dẫn này thì lại gặp không ít trở ngại.
Du khách có thể đi ghe, thuyền để khám phá vẻ đẹp, sự đa dạng của hệ sinh thái. Nguồn Internet
|
Ông Nguyễn Phạm Thuận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục và Du lịch sinh thái, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết: Trung tâm vừa xây dựng bãi đậu tàu và liên kết với các chủ tàu ở những bến đậu khác trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, Trung tâm có điều kiện đầu tư thêm tàu, cano, kayak (thuyền thể thao), mở rộng các tour du lịch mới. Tuy nhiên, khi tuyến du lịch này phát triển huyện cần xây dựng thêm nhiều bến bãi cho các tàu neo đậu. Bên cạnh đó, việc quản lý rừng ngập mặn ngoài Ban quản lý rừng phòng hộ còn nhiều đơn vị nhận khoán, phối hợp bảo vệ trên địa bàn huyện như: đồn biên phòng, Ủy ban nhân dân các xã, công an… Điều này có nghĩa, muốn được phép tổ chức cho du khách đi thuyền vào rừng, các công ty du lịch phải được sự cho phép của nhiều đơn vị. Đây là những trở ngại lớn cho các doanh nghiệp muốn khai thác du lịch đường sông tại đây.
Ông Phạm Văn Bảo, chuyên viên phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cần Giờ, cho biết: Trung tâm Truyền thông giáo dục và Du lịch sinh thái là một trong số ít đơn vị khai thác được lợi thế du lịch sinh thái đường sông tại địa phương. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh du lịch của Trung tâm mới hướng đến một vài đối tượng là sinh viên, các nhà khoa học... Trung tâm chưa có hình thức tiếp thị, quảng bá... Mặc dù là cơ quan trực tiếp lập kế hoạch phát triển du lịch đường sông của huyện nhưng chính Trung tâm cũng không thể mở rộng hoạt động kinh doanh loại hình này. Ông Bảo cho rằng, để có một tour hoàn chỉnh, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu của du khách, các đơn vị lữ hành phải xây dựng nhà hàng, khách sạn tại một số trạm dừng chân trên sông. Trong khi đó, để bảo vệ rừng, cần hạn chế xây dựng các cơ sở hạ tầng. Do vậy, việc quy hoạch địa điểm xây dựng các cơ sở phục vụ du lịch cũng cần được quan tâm đúng mức. Tạo ra những ràng buộc, quy định về bảo vệ cảnh quan môi trường để các doanh nghiệp tuân theo, tránh tình trạng vi phạm rồi mới tiến hành xử lý. Cũng như cần hạn chế khu vực được khai thác du lịch nhất là những khu vực có hệ động thực vật quý hiếm.
Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố xác định việc phát triển và khai thác du lịch đường sông là hoạt động trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành du lịch một cách bền vững. Kế hoạch phát triển du lịch đường sông trong thời gian tới sẽ tập trung khai thác các điểm dừng tại huyện Cần Giờ như xã Tam Thôn Hiệp, văn phòng phân khu 2, khu vực tiểu khu 19, tiểu khu 16 để du khách được xem và cùng tham gia với nông dân trong một số mô hình nuôi tôm, yến, câu cá, sản xuất muối... Do vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác du lịch đường sông, chính quyền thành phố đã xây dựng các bến tàu phục vụ du khách; hỗ trợ về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp du lịch...
Lan Phương