Chất lượng du lịch và công tác xúc tiến quảng bá đều kém khả năng cạnh tranh

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, mặc dù đã đạt được những kết quả vượt bậc nhưng thực tế phát triển du lịch thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.

Ngày 10/10 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương, địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp... đóng góp hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo Chiến lược do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch: Mặc dù đã đạt được những kết quả vượt bậc nhưng thực tế phát triển du lịch thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao về chất lượng du lịch, xúc tiến quảng bá. Nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, doanh nghiệp chủ yếu là vừa, nhỏ. Vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy.

Chú thích ảnh
Hấp dẫn vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Đứng trước yêu cầu của thực tiễn phát triển, ngành du lịch nhận thấy cần phải có định hướng chiến lược cho thời kỳ mới trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, nền tảng và kinh nghiệm phát triển thời gian qua để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng: Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã rất nỗ lực để đưa ra một bản dự thảo Chiến lược hoàn thiện về sự phát triển của toàn ngành đến một tương lai xa. Tuy nhiên, Viện cần làm rõ, thuyết phục hơn nữa về tính cấp thiết phải ra đời Chiến lược bởi lẽ hiện ngành du lịch đang tập trung toàn lực thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Thêm vào đó, việc xây dựng Chiến lược cần thực hiện bằng một tư duy thực sự đổi mới, phù hợp với thực tiễn phát triển rất nhanh của du lịch và lấy du khách làm trung tâm của sự phát triển; làm rõ những khác biệt vượt bậc, nổi trội của Chiến lược mới so với Chiến lược đang thực hiện.

Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng: Các nội dung trong Chiến lược cần đề cập sâu sắc, toàn diện về những vấn đề phát triển của du lịch đang hiện hữu nay như  du lịch thông minh, du lịch xanh trước tác động của biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội cũng như ứng phó với những thách thức của  cuộc cách mạng 4.0, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực…

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050  là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội; Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược được tiếp cận theo hướng thay đổi tư duy, nhận thức về ngành du lịch; phát triển du lịch hướng đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Bên cạnh đó ngành du lịch tạo dựng được lợi thế cạnh tranh với những giá trị khác biệt; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển bền vững; sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên…

Chú thích ảnh
Khách tham quan gian lưu giữ, trưng bày Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Dự thảo Chiến lược có đưa ra các kịch bản tăng trưởng du lịch cho từng giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050 để phát triển du lịch bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa –xã hội; an ninh – quốc phòng và môi trường. Mục tiêu của ngành du lịch đến năm 2030 là du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế, là thiên đường nghỉ dưỡng biển mới của thế giới, thuộc nhóm 3 quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực ASEAN, chiếm lĩnh thị phần ngày càng cao trên thị trường quốc tế, khẳng định vị thế điểm đến cạnh tranh toàn cầu. Đến năm 2050, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế. Việt Nam trở thành điểm đến du lịch quốc tế đặc biệt hấp dẫn, có uy tín, thương hiệu; năng lực cạnh tranh mạnh, được ưu tiên lựa chọn trên thị trường quốc tế, thuộc nhóm 20 quốc gia phát triển du lịch…

Thanh Giang (TTXVN)
Không để 'con sâu' làm rầu 'nồi canh' du lịch lữ hành
Không để 'con sâu' làm rầu 'nồi canh' du lịch lữ hành

Thời gian gần đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một số hoạt động bán tour du lịch nhưng không tổ chức tour, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN