Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ tiến hành xếp hạng trước, sau đó đến Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố khác. Hiệp hội Du lịch Việt Nam hy vọng việc xếp hạng sẽ góp phần tăng chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, nâng cao hình ảnh, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt.
Đôi bên cùng có lợi
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Từ năm 2.000 đến nay, số lượng hướng dẫn viên du lịch trong cả nước tăng rất nhanh. Từ 200-300 người năm 2000 đến nay cả nước có hơn 23.000 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ hành nghề. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5-10% số hướng dẫn viên du lịch này có hợp đồng lao động với các doanh nghiệp du lịch, còn lại là hướng dẫn viên tự do. Khi là hướng dẫn viên tự do, họ có thể phát huy hết khả năng khi thực hành nghề trên khắp đất nước với mức thù lao phù hợp. Nhưng họ không có tổ chức đại diện, không có nơi trao đổi, bồi dưỡng nghề nghiệp, kỹ năng, kiến thức, dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.
Luật Du lịch năm 2017 cũng quy định rõ điều kiện hành nghề cho hướng dẫn viên ngoài thẻ hướng dẫn viên còn phải là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc có biên chế của công ty lữ hành. Thời gian qua, du lịch của Việt Nam tăng trưởng nhan chóng nhưng mới là phát triển theo bề ngang, chất lượng còn nhiều điều phải bàn, sản phẩm du lịch còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp hơn các nước khác trong khu vực, đội ngũ hướng dẫn viên luôn phải chạy theo để đáp ứng nhu cầu…
Việc xếp hạng hướng dẫn viên du lịch hứa hẹn mang lại nhiều điều mới mẻ, hữu ích, góp phần đưa du lịch Việt Nam, nhất là chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của ngành. Các hướng dẫn viên tham gia xếp hạng được phân theo 3 hạng: Hạng bạch kim (5 sao); hạng vàng (4 sao) và hạng bạc (3 sao).
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Vietrantour, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội cho rằng: Việc triển khai xếp hạng hướng dẫn viên du lịch là cần thiết, mang lại lợi ích cho cả đôi bên là hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, việc xếp hạng hướng dẫn viên sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng lộn xộn (thẻ giả hoặc hướng dẫn viên không có thẻ hành nghề, năng lực kém), đảm bảo hướng dẫn viên tuân thủ quy định hành nghề. Hướng dẫn viên có năng lực tốt được đánh giá đúng khả năng, thưởng xứng đáng, khuyến khích các hướng dẫn trau dồi kĩ năng, năng lực, kiến thức để được xếp hạng cao, gia tăng năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động.
Với doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên đóng vai trò quan trọng khi dẫn tour, nhất là các đoàn đông du khách. Hướng dẫn viên cần có kỹ năng xử lý các tình huống dịch vụ phát sinh, quản lý đoàn tour. Mặt khác, hướng dẫn viên cần có kiến thức, thông tin về điểm đến để cung cấp cho du khách. Việc xếp hạng hướng dẫn viên sẽ giúp doanh nghiệp lữ hành có căn cứ để lựa chọn đối tượng hướng dẫn viên phù hợp nhất với tính chất từng đoàn khách, đảm bảo chất lượng dịch vụ đã cam kết với khách hàng.
“Sàng lọc” kỹ để có hướng dẫn viên chuẩn
Theo Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam Bùi Văn Dũng: Cơ cấu đề thi xếp hạng hướng dẫn viên du lịch gồm đề lý thuyết và thực hành. Bài thi lý thuyết được làm trên máy tính với ngân hàng đề hiện có 1.350 câu trắc nghiệm lý thuyết, 275 câu tự luận. Các thí sinh phải thi kiến thức cơ sở như Địa lý, Lịch sử và văn hóa Việt Nam, văn bản pháp luật du lịch, Lịch sử văn minh thế giới; kiến thức chuyên ngành như tâm lý khách du lịch, y tế du lịch, xuất cảnh hàng không và lưu trú. Thí sinh cũng sẽ bốc thăm để thi thuyết minh.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet cho rằng: Du lịch Việt Nam phát triển khá nhanh nên hàng năm, các doanh nghiệp cần tuyển thêm nhiều hướng dẫn viên du lịch, việc xếp hạng là cần thiết, doanh nghiệp có thêm một căn cứ để lựa chọn. Tuy nhiên, việc thi các bài thi khi xếp hạng, kể cả thuyết minh vẫn chỉ là cuộc thi và có thể học "tủ". Doanh nghiệp vẫn cần có cuộc phỏng vấn riêng hoặc thử thách thực tế để biết rõ thái độ của hướng dẫn viên với công việc và các đoàn khách để có quyết định tốt nhất cho doanh nghiệp. Bởi lẽ đã có những hướng dẫn viên “tham” công việc, nhận lời nhiều đơn vị cùng lúc, làm ảnh hưởng đến cả đoàn khách, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng. Do đó, kỹ năng xử lý tình huống, ý thức trách nhiệm, thái độ của hướng dẫn viên với công việc không thể chỉ “đo đếm” bằng thi cử, sách vở mà phải được đánh giá qua thực tế dẫn tour, nhận xét của khách hàng…
Công ty du lịch Vietrantour đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sàng lọc, chọn hướng dẫn viên đạt chuẩn với nhiều công đoạn. Tuy vậy, vào mùa cao điểm, các hướng dẫn viên cơ hữu của công ty luôn trong tình trạng quá tải. Thị trường hướng dẫn viên tự do cũng rất khan hiếm, khó đảm bảo đủ hướng dẫn viên phục vụ du khách, chứ chưa nói tới đảm bảo các quy định của công ty về chất lượng đầu vào.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Vietrantour cho rằng: Việc xếp hạng hướng dẫn viên rất đáng hoan nghênh nhưng vẫn cần lưu ý một số vấn đề. Trong đó, thẻ hướng dẫn viên được xếp hạng có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp. Đây thực sự là quãng thời gian tương đối dài trước sự phát triển rất nhanh của du lịch, nếu hướng dẫn viên chủ quan, không trau dồi kiến thức du lịch thì việc hành nghề kém chất lượng vẫn có thể xảy ra. Thêm vào đó, với các hướng dẫn viên có hạng thẻ thấp muốn thi lại để nâng hạng thẻ thì vẫn chưa có quy định.
Do đó, bà Nguyễn Thị Huyền cho rằng: Cần có thời hạn kiểm tra sát hạch định kỳ hàng năm để khuyến khích hướng dẫn viên liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, năng lực, đảm bảo chất lượng; đáp ứng nhu cầu thăng hạng thẻ của hướng dẫn viên. Thêm vào đó, cần có cơ chế phối hợp giữa các hiệp hội nghề hướng dẫn viên với doanh nghiệp để đánh giá, khuyến khích hướng dẫn viên tham gia xếp hạng. Các đơn vị chức năng cần cụ thể hóa quy định sử dụng hướng dẫn viên theo hạng thẻ trong các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch.