Đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức ẩm thực biển tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Ngành du lịch nước nhà đã phục hồi và duy trì được đà tăng trưởng sau thời gian dài gặp khó khăn. 6 tháng đầu năm 2016, khách du lịch quốc tế và nội địa đều tăng trưởng tốt, doanh thu từ du lịch cũng khá ấn tượng. Nếu không có vài vụ việc tiêu cực liên quan đến khách du lịch Trung Quốc ở một số địa phương, ngành du lịch có lẽ sẽ còn vui hơn.
Những thông tin không vui liên quan đến khách du lịch Trung Quốc làm dư luận, chính ngành du lịch và những hướng dẫn viên du lịch chân chính cũng bức xúc. Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, địa phương liên quan đã nhanh chóng vào cuộc; có biện pháp xử lý đúng đắn không chỉ khách du lịch Trung Quốc mà còn răn đe chính các công ty, cá nhân của Việt Nam vì lợi nhuận mà “bảo kê”, tiếp tay cho công ty lữ hành Trung Quốc, đi ngược lại lợi ích của đất nước.
Việc làm này được dư luận ủng hộ và các đơn vị lữ hành trong nước hoan nghênh. Các địa phương cũng đã có động thái tích cực nhằm hạn chế bớt những hình ảnh tiêu cực, kém văn minh, gây ảnh hưởng đến du lịch địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đều đã nhận hình phạt, rút ngắn thời hạn visa, trục xuất về nước...
Sau vụ khách Trung Quốc, Đà Nẵng đã in 5.000 bộ quy tắc bằng tiếng Trung Quốc, phát miễn phí để nhắc nhở du khách ứng xử văn minh. Có lẽ thời gian tới cần có thêm bộ quy tắc bằng những ngôn ngữ khác như tiếng Hàn, Anh, Pháp, Đức… phát cho toàn thể khách quốc tế đến với thành phố biển xinh đẹp chứ không chỉ riêng khách Trung Quốc. Các địa phương khác cũng nên học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng để cùng tạo ra những điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn du khách; nâng cao hình ảnh đẹp của du lịch nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế.
Cũng đã có câu hỏi khó gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện – Tư lệnh ngành văn hóa, thể thao, du lịch cho rằng: Việt Nam có nên hạn chế bớt việc đón khách quốc tế, nhất là trong các dịp cao điểm?
Bộ trưởng đã thẳng thắn nói rằng: Khách quốc tế đến Việt Nam tuy đã tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, quốc tế. Hơn ai hết, những người làm du lịch đang nỗ lực để cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nhiều khách quốc tế đến Việt Nam.
Ông Bộ trưởng cũng thừa thận cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú, dịch vụ của nước ta còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vào mùa cao điểm, tất cả các dịch vụ đều quá tải, không chỉ với khách nội địa mà cả khách quốc tế.
Do đó, việc cần làm của ngành du lịch không phải là hạn chế khách đến mà là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng chất lượng dịch vụ để làm hài lòng du khách, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch nước nhà. Hơn nữa, đối với khách quốc tế, bất kể khách đến từ nước nào; kể cả khách nội địa, đơn vị lữ hành, du lịch Việt Nam nếu vi phạm quy định, không tuân theo luật pháp, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia đều cần phải được nghiêm trị.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định rằng: Những sự cố của ngành du lịch như vấn đề khách Trung Quốc vừa qua một mặt là áp lực nhưng mặt khác cũng tạo động lực để ngành du lịch nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác quản lý…
Riêng về khách Trung Quốc, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhận định: Đây là thị trường khách outbound (đi du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới hiện nay, quốc gia nào muốn phát triển du lịch đều phải quan tâm đến khách Trung Quốc. Lượng khách outbound của Trung Quốc đã vượt qua con số 100 triệu và có thể lên tới 130 triệu trong năm 2016.
Trong năm 2015, Thái Lan đã đón hơn 7,93 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng trưởng đến 91,62%, chiếm 27% tổng số khách quốc tế. Nhật Bản đón hơn 2,94 triệu lượt khách Trung Quốc chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, chiếm hơn 26% tổng số khách đến. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã đón hơn 1 triệu lượt khách Trung Quốc trong tổng số 4,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam…
Cũng trong năm 2015, có 120 triệu khách Trung Quốc đi du lịch trên khắp thế giới đã chi tiêu 250 tỷ USD, nghĩa là trung bình mỗi khách Trung Quốc tiêu 2.083 USD/chuyến đi. Dự báo đến năm 2025 sẽ có 220 triệu người Trung Quốc đi du lịch và tiêu đến 450 tỷ USD.
Và ở đâu cũng có khách du lịch Trung Quốc! Việt Nam không thể là ngoại lệ. Ngành du lịch và cả hệ thống doanh nghiệp du lịch đều hiểu rằng không nên chỉ vì một vài vụ việc mà từ chối hay bài xích khách Trung Quốc. Từ bỏ khách Trung Quốc là đi ngược xu hướng chung của thế giới. Các chuyên gia du lịch cho rằng: Muốn có nguồn thu cao hơn về du lịch, thì phải chấp nhận thị trường này…
Nhiều nước cũng đã nghiên cứu kỹ về hành vi tiêu dùng của khách du lịch Trung Quốc để khiến khách Trung Quốc tiêu nhiều tiền hơn khi đến du lịch. Thế nên ngành du lịch nước nhà cũng cần nghiên cứu để có nhiều “chiêu” thiết thực, hiệu quả khiến khách Trung Quốc – chiếm 25% khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu thật nhiều khi đến nước ta.
Bởi hiện nay, mức chi tiêu của khách Trung Quốc ở Việt Nam mới bằng 40% mức chi tiêu trung bình của dòng khách này trên thế giới. Và đây chắc chắn sẽ là một thử thách cũng là động lực thúc đẩy ngành du lịch phải vượt qua để phát triển bền vững trong tương lai...