Cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch

Qua hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tuy đã có những kết quả bước đầu, nhưng đến nay các ngành liên quan vẫn chưa ban hành được các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch.

Chú thích ảnh
Khách du lịch trải nghiệm chèo thuyền Kayak trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Trăn trở trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Mạnh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đề nghị làm rõ nguyên nhân và những giải pháp trong thời gian tới liến quan đến Nghị quyết số 08-NQ/TW có đề cập tới nhiệm vụ phải hoàn thiện các chính sách trực tiếp đến phát triển du lịch như: "Về đầu tư, ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm về du lịch, vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch...". Nhưng đến nay các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch vẫn còn bỏ ngỏ.

Trả lời bằng văn bản chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Bám sát 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 08-NQ/TW đã chỉ ra, Bộ VH,TT&DL đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch 2017; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch.

Hơn 5 năm qua, Bộ VH,TT&DL chấp hành nghiêm túc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; tuân thủ Quy chế làm việc của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ cùng các Ban, Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện cơ bản có hiệu quả các quy định, cơ chế chính sách phát triển du lịch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những "điểm nghẽn", "rào cản" để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉ đạo, tháo gỡ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nêu rõ, việc thu hút đầu tư để phát triển ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do một số nguyên nhân như: Du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động...

Bên cạnh đó, chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện tử đã triển khai nhưng tính cạnh tranh còn thấp; việc chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài là điểm bất lợi của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực (hiện đang thí điểm vận hành Văn phòng xúc tiến du lịch tại Anh, tại Hàn Quốc do doanh nghiệp tài trợ).

Nguồn lực cho xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, dàn trải, sự phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến hình ảnh du lịch quốc gia còn chưa chặt chẽ. Hoạt động liên kết, hợp tác, phối hợp liên ngành, liên vùng chưa phát huy hiệu quả đồng bộ, thiếu người "nhạc trưởng". Chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam tăng cao nhất thế giới song một số chỉ số quan trọng về hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, hạ tầng mặt đất và cảng, tính bền vững về môi trường còn thấp.

Để giải quyết tình trạng trên, trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật PPP theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư.

Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa theo hướng tăng cường hơn các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với hoạt động du lịch; thu hút nguồn lực xã hội hóa trong khai thác, phát huy giá trị di sản... Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai được Đề án phát triển kinh tế đêm (thời gian hoạt động, điều kiện kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ...).

Tiếp tục chấp thuận chủ trương tạo thuận lợi đơn giản hóa, linh hoạt thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực đơn phương (ưu tiên các quốc gia là thị trường nguồn, khách chi tiêu cao như các nước EU, Canada, Mỹ, Úc, New Zealand, Ấn Độ...) và cấp visa điện tử.

Ngoài ra, Bộ VH,TT&DL cũng đề nghị cho phép thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài; Chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết mẫu, hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để tăng nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá; Chỉ đạo việc mở rộng kết nối hàng không, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, hạ tầng mặt đất và cảng.

V.T/Báo Tin tức
Gia Lai phục dựng các nghi lễ truyền thống để du lịch bứt phá
Gia Lai phục dựng các nghi lễ truyền thống để du lịch bứt phá

Từ định hướng bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2022, tỉnh Gia Lai đã tập trung đẩy mạnh hoạt động phục dựng, bảo tồn nét văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương. Đây chính là điểm nhấn tạo nên nét đặc trưng riêng và sự bứt phá mạnh mẽ cho du lịch Gia Lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN