Những nghi lễ truyền thống như Lễ mừng lúa mới, Lễ mừng nhà rông mới, Lễ cúng bến nước, Lễ cầu mưa, Lễ bỏ mả, Lễ cưới truyền thống,… không chỉ được bà con dân làng tự đứng ra tổ chức mà các địa phương của tỉnh Gia Lai cũng thường xuyên đầu tư phục dựng lại các nghi lễ này trong cộng đồng dân cư nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Chỉ riêng tại Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh Gia Lai năm nay, một số nghi lễ đặc sắc của người dân bản địa đã được ngành chức năng của tỉnh Gia Lai phục dựng lại như Lễ mừng nhà rông mới, Lễ bỏ mả, Lễ cưới truyền thống. Những nghi lễ này đã tạo nên một không gian văn hoá đầy màu sắc và trở thành yếu tố độc đáo cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Một trong những những nghi lễ có giá trị văn hoá lâu đời của người dân bản địa Jrai có thể nhắc đến đó là Lễ cưới truyền thống. Với đồng bào dân tộc Jrai, việc cưới hỏi có những quy ước rất chặt chẽ, được thể hiện thông qua các nghi lễ, nghi thức, dần trở thành một nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ cho đến ngày nay.
Đến với Tuần lễ Văn hóa - Du lịch năm nay, các nghệ nhân của phường Đống Đa, thành phố Pleiku đã tổ chức phục dựng lại lễ cưới truyền thống của người Jrai. Đây là nghi lễ quan trọng, phản ánh vai trò của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ và thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Jrai. Để chuẩn bị đám cưới, nhà gái chủ động chuẩn bị rượu cần, đồ lễ, đồ ăn gồm: gà, rượu, cơm lam, vòng đồng và khăn thổ cẩm… đón đoàn nhà trai. Vào ngày tốt lành, ông mối dẫn đoàn nhà trai qua nhà gái làm lễ thành hôn. Trong đám cưới, già làng sẽ hỏi ý kiến ông mối và cha mẹ hai bên, sau đó tổ chức cúng các Yàng và gọi tổ tiên hai dòng họ về chứng kiến lễ cưới. Các nghi lễ rửa tay và trao nắm cơm, trao vòng cho cô dâu, chú rể cũng được diễn ra ngay sau đó. Khi cô dâu, chú rể được thầy cúng rửa tay và nhận nắm cơm thì họ đã chính thức trở thành vợ chồng và sau lễ cưới người chồng sẽ về ở rể bên nhà gái.
Già làng Ksor Kol ở Làng Kép, phường Đống Đa, thành phố Pleiku chia sẻ, lễ cưới truyền thống của người Jrai mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá truyền thống của chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi phục dựng lại nghi lễ này ở các lễ hội đều thu hút mọi người đến tham gia tìm hiểu, đây là điều hết sức vui mừng. Chúng tôi sẽ cố gắng lưu giữ và truyền dạy cho con cháu để những nghi lễ truyền thống quan trọng không bị mai một.
Cùng bạn bè đến Gia Lai du lịch vào đúng dịp Tuần Văn hoá - Du lịch diễn ra, ông Hà Văn Việt, một du khách đến từ Phú Thọ cho biết: Đến Gia Lai đúng vào dịp diễn ra lễ hội với nhiều chương trình đặc sắc, chúng tôi được chìm đắm vào không gian lễ hội với các nghi thức truyền thống của cư dân bản địa như: cồng chiêng đường phố, phục dựng Lễ cưới truyền thống, Lễ bỏ mả (Lễ PơThi), Lễ mừng nhà rông mới… đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm về văn hoá truyền thống và con người nơi đây. Mong rằng, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy, lưu giữ những giá trị truyền thống này và lồng ghép vào làm điểm nhấn cho du lịch Gia Lai; từ đó thu hút du khách đến với mảnh đất hiền hoà này.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hoá-Thông tin thành phố Pleiku, thời gian tới, để thu hút du khách, thành phố Pleiku sẽ tiếp tục làm tốt công tác quảng bá, duy trì việc tập luyện cồng chiêng, phục dựng các lễ hội. Việc tích cực tổ chức và tham gia các lễ hội sẽ góp phần quảng bá cho du lịch của tỉnh.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, hoạt động du lịch-dịch vụ của tỉnh Gia Lai đã có bước chuyển biến và phát triển khá tốt. Riêng trong năm 2022, tổng lượt khách tham quan, du lịch của tỉnh ước đạt 960.000 lượt, tăng gấp 2,9 lần so với năm 2021; trong đó khách quốc tế ước đạt 2.800 lượt, khách nội địa hơn 957.000 lượt. Tổng nguồn thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 620 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2021.