Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, việc ký kết có ý nghĩa kích hoạt các hoạt động du lịch trong thời gian tới và hướng đến thực hiện mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mục đích hợp tác nhằm tăng cường giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sự hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược thân thiết lâu dài. Từ đó, các bên cùng triển khai xúc tiến quảng bá điểm đến, thúc đẩy phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ du lịch, kích cầu lượng khách đến tỉnh Thừa Thiên - Huế dựa trên sự hiểu biết, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.
Theo đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỗ trợ cung cấp các dịch vụ tham quan di tích, sản phẩm, dịch vụ du lịch tại khu di sản, thông tin hình ảnh về di sản văn hóa Huế. Công ty trách nhiệm hữu hạn Saigon Morin hỗ trợ cung cấp dịch vụ phòng ngủ, phòng họp và các dịch vụ liên quan về hội nghị, các loại hình tiệc, ăn uống. Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài hỗ trợ các bên còn lại các dịch vụ của sân bay, quảng bá giới thiệu tại sân bay…
Bên cạnh đó, các bên đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ của nhau tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Quần thể Di tích Cố đô Huế và Khách sạn Sài Gòn Morin để hỗ trợ nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách du lịch.
Ba đơn vị phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện đón tiếp các đoàn khách ngoại giao, khách cấp cao, quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, để lại ấn tượng tốt cho du khách khi đến Thừa Thiên - Huế.
Các đơn vị sẽ cung cấp hỗ trợ các ấn phẩm quảng bá, thông tin du lịch, vận hành quầy thông tin hỗ trợ du lịch hoặc ki ốt du lịch thông minh, nhằm phát triển du lịch chung của tỉnh tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Khu di sản Huế và Khách sạn Sài Gòn Morin.
Năm 2023, ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách. Ngành tập trung phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao với các sản phẩm mới, đặc thù để tạo sự khác biệt với các tỉnh thành khác bên cạnh sản phẩm văn hóa- di sản, như: du lịch chăm sóc sức khỏe, tâm linh, nông thôn, một số lễ hội có tính thu hút khách cao; xúc tiến đầu tư khai thác các đường bay mới từ các thị trường du lịch tiềm năng; kết nối các hãng lữ hành lớn, nhằm triển khai các chương trình tour mới đến miền Trung, với đích chính là Thừa Thiên - Huế…
Bốn tháng cuối năm 2022, ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận sự quay trở lại của một số thị trưởng khách quốc tế; tuy nhiên, vẫn chưa đạt được kỳ vọng do tình hình chính trị, kinh tế và dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp trên toàn cầu. Tháng 11, địa phương đón 179.043 khách du lịch; trong đó có 51.376 khách quốc tế, chủ yếu là du khách Thái Lan chiếm 13,2%. Dự kiến, tháng 12/2022, tỉnh sẽ đón khoảng 70.000 khách quốc tế trong tổng số 190.000 khách du lịch. Tổng lượt khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế trong năm 2022 ước đạt 2,05 triệu lượt.