Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để du lịch Việt Nam bứt phá

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo nhằm tăng tốc, tạo sự bứt phá cho ngành du lịch bước vào kỷ nguyên mới.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc các địa phương cần hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để du lịch Việt Nam bứt phá trên đường đua thu hút du khách. 

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường, ngành du lịch Việt Nam cần nâng cao năng lực thích ứng và sức chống chịu, thông qua việc xác lập lại tư duy phát triển, cơ chế vận hành và cấu trúc sản phẩm.

“Chúng ta cần ‘vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam’, như lời Thủ tướng đã nói. Nhưng ‘vẽ lại’ không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu đã có, mà là để tạo ra những sản phẩm đậm đà bản sắc văn hoá, có tính liên kết và nổi bật, đủ sức hấp dẫn trong bối cảnh cạnh tranh mới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo tại hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương chủ động đề xuất, kiến nghị để xác lập lại các phân khu điểm đến, kết nối không gian du lịch liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển sản phẩm mới có chiều sâu, mở rộng quy mô và tạo sự đột phá trong khai thác tài nguyên.

"Sau khi chúng ta thực hiện chính quyền giai cấp, không gian phát triển rộng mở, chúng ta kỳ vọng vào đề xuất đúng đắn này của Đảng, giúp nền du lịch nước nhà có bước phát triển mạnh. Yêu cầu cũng là nhiệm vụ. Chúng ta phải định vị tài nguyên du lịch dựa trên việc phân khu điểm đến du lịch… tái khẳng định trong bối cảnh tiềm năng và lợi thế, chúng ta sẽ bị “chậm một nhịp”… Lúc này chúng ta cần làm mới, bổ sung kết nối để mở rộng các khu du lịch… vấn đề này các địa phương cần kiến nghị, đề xuất. Tôi mong rằng các Sở, Cục liên quan phải cùng nhau hoàn thiện trong thời gian tới, chậm nhất đến hết quý III, chúng ta phải định vị, góp phần vẽ lại bản đồ du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, về thể chế, cần rà soát lại cơ chế, chính sách về mặt chiến lược, các đề án du lịch mà cấp Trung ương cũng như các địa phương đã ban hành… Khi làm được điều này sẽ tạo ra động lực mới cho doanh nghiệp, cho quản lý nhà nước, cho người dân. 

“Người mở cổng làng cũng là một đại sứ”, nếu không biết trân quý những người dân, không có những nụ cười tỏa nắng thì khó lưu giữ hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam... Cùng với đó, những người làm du lịch không được vô cảm, phải lắng nghe. 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Du khách khám phá hồ hoàn Kiếm, phố đi bộ khi ghé thăm Hà Nội.

Bên cạnh đó phải xác định những thị trường trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết 10 thị trường chiến lược, trọng tâm cần lưu ý là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Trung Đông, Nga, Ấn Độ…  Khi một địa bàn có nhiều cảnh sắc đẹp, người dân tốt nhưng đường bay không di chuyển được, thủ tục chưa sẵn sàng… sẽ khó thu hút du khách. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị những người làm du lịch phải quán triệt: “Thị trường làm trung tâm, thương hiệu là nền tảng”.

“Ngoài ra cần tập trung xây dựng sản phẩm Việt Nam đặc biệt, đặc sắc, điều này cũng nằm trong chỉ thị của Thủ tướng và Nghị quyết của Chính phủ… Tôi mong rằng, sau sáp nhập, có không gian mới, phải tái tái xác lập các sản phẩm có chiều sâu, có độ lớn… Còn độ lớn như thế nào, chiều sâu ra sao, mỗi địa phương phải tự làm, đăng ký… Tôi cũng mong rằng các Giám đốc Sở đồng hành cùng chúng tôi, sớm báo cáo với Chính phủ để Thủ tướng phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết. 

Chú thích ảnh
Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo, cần đẩy mạnh du lịch quảng bá xúc tiến du lịch trong nước. Khách nội địa là bệ đỡ, nên “không xem nhẹ” thị trường rộng mở với khoảng 100 triệu dân. 
Bộ trưởng chỉ đạo: Đồng thời cần tập trung triển khai, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số toàn diện, có sản phẩm cụ thể. Để có một sản phẩm du lịch “không có dấu chân”, phải bắt tay vào làm, số hoá dữ liệu, số hoá điểm đến… quan trọng nhất vẫn là việc ứng xử, yếu tố con người rất quan trọng. 

“Chúng ta cần tăng cường điểm đến, quản lý điểm, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện…. khắc phục tình trạng “chặt chém” giá, hình ảnh xấu… Tôi đề nghị Cục báo chí, Cục phát thanh truyền hình tiếp tục tuyên dương, biểu dương, lan toả những giá trị tốt đẹp, những tấm gương sẵn sàng phục vụ du khách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương và ngành, từ hàng không, đường sắt đến công an, tài chính… để tạo chuỗi giá trị bền vững. Các tỉnh cần ngồi lại, xác định đâu là đầu vào, đâu là trung chuyển, sản phẩm nào do địa phương nào đảm nhiệm, tránh tình trạng sản phẩm na ná nhau. TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng phải là những điểm đến tiên phong, dẫn dắt hệ sinh thái du lịch quốc gia.

Hồng Phượng/Báo Tin tức và Dân tộc
Ngành du lịch hoàn thiện thể chế theo hướng kiến tạo phát triển
Ngành du lịch hoàn thiện thể chế theo hướng kiến tạo phát triển

Để tạo sự bứt phá cho ngành du lịch bước vào kỷ nguyên mới, toàn ngành du lịch sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng “kiến tạo phát triển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN