Chuyển đổi số tạo động lực phát triển du lịch bền vững

Công tác chuyển đổi số đang tác động tới nhiều ngành, lĩch vực, trong đó có lĩnh vực du lịch. Sự thay đổi này buộc các doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để thích ứng với sự thay đổi nhu cầu của du khách.

Tạo sự tiện lợi

Chị Hoàng Lan Anh, du khách đến từ Hà Nội, cảm thấy thú vị khi lần đầu trải nghiệm check-in ở resort 5 sao tại Hạ Long bằng máy nhận diện gương mặt. “Tôi chỉ mất vài giây để hoàn thành thủ tục check-in và nhận phòng. Khi sử dụng các dịch vụ tại khu nhà hàng buffet, các khu trò chơi riêng... tôi không cần mang theo thẻ phòng. Thủ tục nhanh gọn, thuận tiện trong suốt thời gian lưu trú”, chị  Hoàng Lan Anh cho biết.

Chú thích ảnh
Du khách nghe thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội khách sạn Việt Nam, trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ thay đổi phương thức vận hành của các doanh nghiệp mà còn định hình lại cách thức quản lý dịch vụ trong ngành khách sạn.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ hiệu quả và nâng cao toàn bộ trải nghiệm cá nhân của du khách, từ lúc check-in cho đến khi họ trở về nhà. Trước sự tiện lợi này, nhiều khách sạn tại Việt Nam cũng đang áp dụng công nghệ ở các quy mô khác nhau, mang lại trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho du khách trong và ngoài nước.

Trong khi đó, với công ty lữ hành, việc ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, dịch vụ cũng đang điển triển khai mạnh mẽ trước nhu cầu thay đổi của du khách. Với đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp xuất thân là dân công nghệ nên BestPrice Travel đã tiên phong triển khai quảng bá hình ảnh du lịch Hạ Long trên nền tảng google và nay là loạt các nền tảng tìm kiếm khác.

“Từ hình ảnh du lịch Hạ Long, đơn vị đã quảng bá các điểm đến cả 3 miền và liên kết tour du lịch đến 3 nước Đông Dương. Nhờ đó, đơn vị thu hút hàng năm khoảng 20.000 lượnt khách quốc tế đến Việt Nam. Từ nền tảng thu hút khách quốc tế, đơn vị đang đẩy mạnh thu hút khách nội địa”, ông Bùi Thanh Tú Giám đốc Marketing Công ty CP Công nghệ Du lịch BestPrice cho biết.

Du khách vào trang web của BestPrice hoàn toàn tự đặt tour, dịch vụ và thanh toán trực tuyến. Đặc biệt từ Hội chợ du lịch VITM 2025, đơn vị đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giao tiếp với khách, tư vấn chi tiết theo nhu cầu của khách.

Từ góc độ là điểm đến, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là một trong những đơn vị đi tiên phong trong triển khai chuyển đổi số theo chủ trương, định hướng của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Từ tháng 5/2022, đơn vị đã đưa hệ thống vé điện tử vào hoạt động tại khu di tích với sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin du lịch. Sau đó, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiến hành thử nghiệm bán vé trực tuyến dành cho khách đoàn của các doanh nghiệp lữ hành từ tháng 8/2023 và nay mở rộng tới tất cả đối tượng khi đến tham quan di tích.

Bằng việc mua vé online, du khách có thể dễ dàng tra cứu lịch sử mua vé, hóa đơn cũng như thông tin lưu trữ vé dưới nhiều hình thức linh hoạt, tránh bị mất vé qua biên lai điện tử do Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Bộ Công Thương) cung cấp.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Còn tại Bảo tàng Quảng Ninh, hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) hỗ trợ du khách bằng tiếng Anh, tiếng Việt. Ngôn ngữ thuyết minh dễ hiểu, dễ nhớ, được kết hợp mã số tương ứng với mỗi khu trưng bày như Di tích Yên Tử và thiền phái Trúc Lâm, khai thác than hầm lò... đã giúp khách tham quan hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa và con người vùng đất mỏ. Du khách cũng có thể trải nghiệm bảo tàng thực tế ảo 3D tại website baotangao.baotangquangninh.vn; số hóa 360 độ qua camera đặt tại các khu di tích, điểm du lịch để cùng lúc tham quan, khám phá các điểm đến ấn tượng khác…

Về ứng dụng công nghệ, ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Trung tâm Thông tin du lịch đang phối hợp cùng Hà Nội triển khai hệ thống vé điện tử trực tuyến - liên thông - đa phương thức tại các điểm di tích lớn như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Đền Quán Thánh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây, Di tích số 22 phố Hàng Buồm... Đây được xem là “giải pháp đột phá” nâng cao trải nghiệm du khách và quản lý điểm đến thông minh.

Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh

Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Quảng Ninh thu hút đông du khách tham quan dịp hè này.

Theo ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam, chuyển đổi số đang từng bước làm thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hơn, đó là tạo lập hệ sinh thái số dùng chung cho toàn ngành như: Hệ thống dữ liệu du lịch Việt Nam, phần mềm báo cáo thống kê du lịch, ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”... Hệ sinh thái du lịch thông minh này hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong ngành. Mục tiêu chung nhất là đưa vào vận hành các nền tảng số dùng chung trong ngành du lịch để tạo sự tập trung, đồng bộ về dữ liệu, khắc phục tình trạng manh mún, “trăm hoa đua nở”, lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh việc xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, Cục Du lịch quốc gia đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam thông các kênh truyền thông số ở tầm quốc gia của Cục bao gồm cả các website, mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo đến du khách ở trong nước và quốc tế.

Thực hiện chuyển đổi số, Việt Nam không chỉ hướng tới việc tăng trưởng lượng khách mà còn chú trọng nâng cao chất lượng trải nghiệm, hướng đến những phân khúc khách cao cấp, tìm kiếm giá trị văn hóa và bản sắc.

Các chuyên gia du lịch Việt Nam nhận định tương lai của ngành du lịch Việt Nam sẽ chứng kiến sự bùng nổ của du lịch thông minh, với ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn để cá nhân hóa hành trình, tối ưu hóa dịch vụ và quản lý điểm đến hiệu quả hơn. Các điểm đến sẽ trở thành những "thành phố thông minh về du lịch", nơi mọi thông tin, dịch vụ đều trong tầm tay du khách.

Du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là cầu nối gìn giữ giá trị bản địa, đóng góp tích cực cho xã hội và hành tinh. Việt Nam sẽ định vị mình là một điểm đến không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn giàu bản sắc, thân thiện và có trách nhiệm, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế.

Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức và Dân tộc
Từ khóa ‘Sáp nhập tỉnh thành’, cảnh giác hàng giả lên top tìm kiếm trên mạng
Từ khóa ‘Sáp nhập tỉnh thành’, cảnh giác hàng giả lên top tìm kiếm trên mạng

Những thông tin về sáp nhập tỉnh thành, concert quốc gia, cảnh giác hàng giả... là các chủ đề được tìm kiếm nhiều trong quý II/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN