Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

Tỉnh Bạc Liêu chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các khu, điểm du lịch, tiềm năng phát triển du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, tỉnh tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch...

Chú thích ảnh
Khu du lịch biển Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Du lịch của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng, các thị trường khách du lịch đến địa phương suy giảm mạnh, thời kỳ cao điểm tỷ lệ hủy tour lên đến 60% - 80%. Song, các ngành, cấp vẫn tiếp tục tăng cường công tác quản lý; đặc biệt là nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả 9 điểm du lịch của tỉnh đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. Các địa phương, doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động giao lưu và quảng bá du lịch của tỉnh tại các sự kiện du lịch, hội chợ; đồng thời thường xuyên đăng tải, cập nhật tình hình phòng, chống dịch COVID-19 để tuyên truyền đến khách du lịch, các doanh nghiệp, người dân được biết và thực hiện đúng quy định. 

Chính vì vậy, năm 2020, tổng doanh thu ngành Du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng, đạt 63,3% kế hoạch; đón khoảng 2.200.000 lượt khách, đạt 73% kể hoạch. Khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt 750.400 lượt người, đạt 62,5% kế hoạch. Khách quốc tế đạt khoảng 20.000 lượt người, bằng 19% kế hoạch… 

Để thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam cho biết, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các khu, điểm du lịch, tiềm năng phát triển du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, tỉnh tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân chung tay, góp sức phát triển du lịch của tỉnh theo phương châm "Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch"; đồng thời, không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch. 

Tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối các doanh nghiệp lữ hành, thu hút du khách đến với địa phương; xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc văn hóa địa phương, phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh. 

Mặt khác, tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Quán Âm Phật Đài; mời gọi đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển, tuyến du lịch sinh thái ven biển Nhà Mát, các dự án kết hợp điện gió với du lịch. Tỉnh trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các công trình kiến trúc cổ, nhà cổ trên địa bàn thành phố Bạc Liêu để tạo thêm kênh mới thu hút du khách. 

Cùng với đó, tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo hướng hiện đại, khác biệt, khai thác tối đa các tài nguyên và sản phẩm du lịch; sớm triển khai kế hoạch xây dựng Điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu trở thành sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong lĩnh vực du lịch…

Đến nay, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm, đảm bảo  phòng, chống dịch COVID-19. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện tốt.
 
Tỉnh đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đồng ý đưa Di sản Văn hóa phi vật thể "Nghề làm muối thủ công truyền thống" ở Bạc Liêu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xem xét, thẩm định Dự án xây dựng chùa Phước Bửu tại khu vực bảo vệ II di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tháp Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi; hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích Khu mộ Cao Triều. Tỉnh hoàn thiện 5 hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích cấp tỉnh (Đình thần Long Điền, Đình thần Nguyễn Trung Trực, Khu Căn cứ Huyện ủy Giá Rai, Chùa Khmer Hộ Phòng, Trận chiến thắng Mỹ Trinh năm 1972); lập 120 hồ sơ khoa học các hiện vật của các nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện công tác trưng bày Phòng truyền thống xã Phong Thạnh, thị xã Giá Rai…

Nhật Bình (TTXVN)
Cơ hội lớn cho ngành du lịch Thừa Thiên - Huế trong năm 2021
Cơ hội lớn cho ngành du lịch Thừa Thiên - Huế trong năm 2021

Sáng 1/1, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chủ trì phối hợp với Cảng vụ Hàng không Miền Trung tại Thừa Thiên Huế, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Hiệp hội Du lịch tỉnh và Văn phòng đại diện tại Thừa Thiên Huế của Vietnam Airlines tổ chức Lễ đón những du khách đầu tiên đến Thừa Thiên - Huế bằng đường hàng không năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN